Giá dầu bước vào “thị trường gấu”

VTV Digital-Thứ ba, ngày 21/11/2023 11:44 GMT+7

VTV.vn - Giá dầu thô chính thức bước vào giai đoạn "thị trường gấu" khi đã giảm khoảng 20% giá trị trong hơn 1 tháng qua.

Giá dầu tăng trước khả năng OPEC+ cắt giảm sản lượng

Trên thị trường năng lượng, giá vàng đen đã có tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Nếu tính từ cuối tháng 9 đến nay, dầu thô đã đánh mất khoảng 20% giá trị, chính thức rơi vào "thị trường gấu" - hay thị trường giá xuống. Giá giảm đang gây áp lực rất lớn lên cuộc họp vào Chủ nhật (26/11) của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là nhóm OPEC+.

Theo cập nhật mới nhất phiên đầu tuần tại thị trường Âu - Mỹ, giá dầu đã phục hồi trở lại trước khả năng OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng mạnh hơn trong cuộc họp cuối tuần ngày 26/11.

Theo đó, dầu Brent hợp đồng tương lai tháng 1/2024 giao dịch ở mức 82,32 USD/thùng. Dầu WTI hợp đồng tháng 12/2023 giao dịch ở mức 77,6 USD/thùng. Các nhà đầu tư đang chú ý đến sự gián đoạn trong giao dịch dầu của Nga sau khi Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với ba tàu đã vận chuyển dầu thô Sokol đến Ấn Độ.

Giá dầu bước vào “thị trường gấu” - Ảnh 1.

Giá vàng đen đã có tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Ảnh minh họa.

Lý giải giá dầu rơi vào "thị trường gấu"

Trên thực tế, những lo ngại rằng xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas sẽ lan rộng và làm gián đoạn nguồn cung dầu cho đến nay vẫn chưa xảy ra. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng đen mất đi đà tăng trước đó. Vậy bên cạnh đó còn những nguyên nhân nào khác?

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), nguyên nhân giá dầu có thời điểm giảm hơn 20% kể cuối tháng 9 xuất phát từ cả hai yếu tố là cung và cầu. Về nguồn cung, các quốc gia nằm ngoài nhóm OPEC+ đang gia tăng sản lượng, bù đắp thiếu hụt do chính sách cắt giảm sản lượng của nhóm này, dẫn đầu là Saudi Arabia và Nga.

Trong báo cáo mới nhất, OPEC đã điều chỉnh dự báo sản lượng các nước ngoài OPEC tăng thêm 100.000 thùng/ngày so với báo cáo tháng trước. Ngoài ra, Mỹ - quốc gia đi đầu trong số các nước gia tăng sản lượng mạnh mẽ nhất, hiện đã đạt mức kỷ lục khai thác 13,2 triệu thùng/ngày, cao nhất từ trước cho đến nay.

Về nhu cầu, bối cảnh kinh tế vĩ mô không mấy tích cực từ các nước tiêu thụ hàng đầu thế giới khiến thị trường lo ngại tiêu thụ cũng suy yếu. Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, rơi vào giảm phát trong tháng 10 sau hai tháng phục hồi trước đó. Điều này khiến các nhà máy lọc dầu cắt giảm công suất chế biến hàng ngày trong tháng 10/2023, qua đó nhập khẩu dầu mỏ giảm hơn 430.000 thùng/ngày.

Bên cạnh đó, Khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng trưởng trì trệ, đặt biệt tại đầu tàu kinh tế Đức, trong khi tại Mỹ, mùa hè tiêu thụ cao điểm cũng đã trôi qua, nhu cầu lái xe hạn chế hơn kéo theo sức cầu về xăng dầu cũng suy giảm.

Ông Dương Đức Quang - Phó Tổng giám đốc, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: "Lần đầu tiên sau 4 tháng, giá dầu thô trên thị trường giao ngay toàn cầu được giao dịch ở mức chiết khấu so với các hợp đồng kỳ hạn, cho thấy thị trường dầu đang dư cung. Do đó, rất có thể cuộc họp OPEC+ vào Chủ nhật tuần này sẽ có kế hoạch mới để cân bằng cung - cầu và hỗ trợ giá. Theo tôi, sẽ có hai kịch bản xác suất xảy ra cao: Một là nhóm OPEC+ sẽ cắt giảm thêm sản lượng và phân bổ mức hạn ngạch mới cho mỗi thành viên cho đến hết năm sau; Hai là hạn ngạch vẫn như cũ, tức tổng mức cắt giảm vẫn sẽ là 3,66 triệu thùng/ngày so với 1 năm trước, nhưng Saudi Arabia và Nga sẽ gia hạn cắt giảm nguồn cung 1,3 triệu thùng/ngày cho tới quý đầu năm sau".

Giá dầu bước vào “thị trường gấu” - Ảnh 2.

Nguyên nhân giá dầu có thời điểm giảm hơn 20% kể cuối tháng 9 xuất phát từ cả hai yếu tố là cung và cầu. Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cảnh báo, việc cắt giảm sản lượng 1 lần nữa sẽ chỉ khiến thị phần của OPEC+ bị thu hẹp.

Hiện mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc họp của Nhóm OPEC+ vào ngày Chủ nhật. Theo Thời báo Tài chính (Financial Times), kịch bản cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày đã được đưa ra để các thành viên OPEC+ xem xét.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Goldman Sachs cho rằng, OPEC+ sẽ duy trì mức cắt giảm như hiện nay, tức giảm khoảng 5 triệu thùng/ngày, tương đương 5% nhu cầu thế giới. Còn Saudi Arabia sẽ gia hạn quyết định cắt giảm riêng 1 triệu thùng/ngày đến quý 2/2024 và điều chỉnh dần từ tháng 7 năm sau. Vậy dự báo giá dầu từ nay đến cuối năm sẽ ra sao.

Ông Dương Đức Quang - Phó Tổng giám đốc, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định: "Tôi cho rằng với kịch bản cắt giảm sản lượng mà OPEC có thể đưa ta tại cuộc họp Chủ nhật này thì giá dầu rất có thể sẽ phục hồi trở lại trong giai đoạn cuối năm nay. Dầu Brent khả năng sẽ tiến dần lên khoảng giao dịch 80 - 90 USD/thùng. Đà tăng giá có thể diễn biến trong ngắn hạn và sẽ dần có sự ổn định trong trung hạn hoặc đầu năm sau".

Doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga đạt kỷ lục

Trong báo cáo mới nhất, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo thị trường dầu sẽ chuyển sang trạng thái dư cung từ đầu năm sau bởi nhu cầu dầu sẽ tăng chậm lại. Do vậy kịch bản cắt giảm thêm sản lượng từ OPEC+ hoàn toàn có khả năng. Dù giá dầu có giảm trong tháng 10 nhưng doanh thu xuất khẩu mặt hàng này từ Nga vẫn đạt mức cao kỷ lục.

Doanh thu từ dầu khí của Nga đã đạt đỉnh điểm vào tháng 10, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và Phương Tây. Điều này được chứng minh bằng số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài chính Nga đó là hơn 1,6 nghìn tỷ Ruble, tương đương khoảng 16,5 tỷ Euro.

Tờ Gazeta cho biết, mức trần giá dầu của Nga do phương Tây đưa ra không có tác dụng khi gần như toàn bộ dầu Nga được bán với giá trên 60 USD/thùng trong tháng 10. Theo đánh giá của Chuyên gia Benjamin Hilgenstock của Trường Kinh tế Kiev, các nước phương Tây ngày càng có ít ảnh hưởng hơn đối với Moskva. Ông cho rằng, Nga đã thành lập "hạm đội bóng tối" của riêng mình để vận chuyển dầu bằng đường biển, điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của phương Tây.

Giá dầu bước vào “thị trường gấu” - Ảnh 3.

Doanh thu từ dầu khí của Nga đã đạt đỉnh điểm vào tháng 10, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và Phương Tây. Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính Nga công bố giá dầu Urals trung bình của Nga trong tháng 10 là trên 81 USD/thùng, vượt 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng tin Lenta nhận định, giá dầu tăng và việc các nước châu Á sẵn sàng mua dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga đang có lợi cho Moskva.

Chính phủ Nga mới đây đã dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu xăng dầu sau khi tình hình thị trường trong nước ổn định trở lại, nhưng vẫn xác nhận việc tự nguyện cắt giảm nguồn cung thêm 300.000 thùng mỗi ngày cho đến cuối tháng 12 như đã công bố trước đó.

Theo Báo Nga (Rossiyskaya Gazeta), dầu xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay tăng gần 25%, lên tới 80 triệu tấn. Đến cuối năm, nguồn cung dự kiến sẽ vượt 100 triệu tấn, nghĩa là hiện nay gần một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga là sang Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia phân tích, hiện Nga đang nắm giữ vị thế dẫn đầu về nguồn cung dầu cho Trung Quốc, nhưng sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc với tư cách là khách hàng chính, cao hơn sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Nga.

Nga đã cung cấp 41 triệu tấn dầu cho Ấn Độ vào năm ngoái, năm nay nguồn cung cũng đang tăng lên, dù chưa đạt được khối lượng của Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn được xem là có vai trò đối trọng với Trung Quốc về hàng xuất khẩu của Nga. Việc mở rộng nguồn cung sang các nước châu Á khác với Nga lúc này là rất cần thiết.

Giới chuyên gia nhận định, đối với Nga đa dạng hoá nguồn cung cấp dầu không phải là mục đích cuối cùng, mà là cần phải cố gắng mở rộng thị trường bán hàng để kiếm tiền từ đó.

OPEC+ cân nhắc cắt giảm nguồn cung dầu OPEC+ cân nhắc cắt giảm nguồn cung dầu

VTV.vn - OPEC+ dự kiến sẽ xem xét liệu có tiếp tục cắt giảm hơn nữa nguồn cung dầu khi nhóm họp vào cuối tháng 11 này hay không.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước