Hình minh họa.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng Bảy tăng 2 USD lên hơn 118 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng Bảy cũng tăng mức tương tự lên hơn 119 USD/thùng.
Giá dầu vẫn tăng dù cho Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), đã quyết định tăng thêm sản lượng dầu thô để bù đắp cho sản lượng sụt giảm của Nga. Ngoài ra, việc Trung Quốc chấm dứt phong tỏa phòng dịch COVID-19 ở Thượng Hải cũng có thể thúc đẩy nhu cầu trong một thị trường vốn đã thắt chặt. Trong khi đó, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 27/5.
Thị trường dầu hiện nay đang không chỉ gặp vấn đề với nguồn cung dầu thô. Năng lực lọc dầu cũng đang là vấn đề lớn. Sản lượng của các nhà máy lọc dầu trên thế giới hiện nay thấp hơn tới gần 3 triệu thùng/ngày so với năm 2019 cũng do việc thiếu đầu tư của các quốc gia thời gian qua.
Giá dầu tăng dù OPEC+ sẽ tăng sản lượng mạnh hơn trong tháng Bảy. Tại cuộc họp vào ngày 2/6, OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng 648.000 thùng/ngày vào tháng Bảy, sau khi tăng 432.000 thùng/ngày trong các tháng trước.
Nhà phân tích về năng lượng tại công ty nghiên cứu kinh tế Commerzbank Research (Đức) Carsten Fritsch cho rằng OPEC+ đã dồn mức tăng trong ba tháng tới vào hai tháng. Nói cách khác, dầu mỏ sẽ được đưa vào thị trường nhiều hơn trong thời gian ngắn.
Theo các ước tính mới nhất, OPEC+ đang bơm ra thị trường trên thực tế thấp hơn tới gần 2 triệu thùng/ngày so với mức sản lượng mục tiêu do chính họ đề ra, một mức sản lượng mà vốn đã được cho là không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Vậy nên mức tăng 650 nghìn thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 tới, dù là cao hơn trước, nhưng không mang lại cho thị trường nhiều tín hiệu tích cực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!