Giá dầu vượt 123 USD/thùng

PV-Thứ ba, ngày 31/05/2022 17:20 GMT+7

VTV.vn - Giá dầu tại thị trường châu Á nối dài đà tăng trong phiên giao dịch chiều 31/5 sau khi Liên minh châu Âu (EU) nhất trí giảm nhập khẩu dầu từ Nga.

Thời điểm 13h50 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao tháng 7 tăng 2,19 USD (1,8%) lên 123,86 USD/thùng, sau khi vọt lên 124,10 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 9/3.

Giá dầu vượt 123 USD/thùng - Ảnh 1.

Giá dầu tăng mạnh. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)

Giá dầu Brent giao tháng 8 cũng tăng 2,25 USD lên 119,85 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) tăng 4,05 USD (3,5%) lên 119,12 USD/thùng.

Ngày 30/5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã ủng hộ lệnh cấm phần lớn lượng dầu nhập khẩu từ Nga, sau khi đã đạt được thỏa hiệp với một số nước phản đối lệnh cấm trước đó.

Trên mạng xã hội Twitter, quan chức này cho hay các lãnh đạo EU đồng ý về một lệnh cấm ngay lập tức áp dụng đối với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, qua đó cắt giảm một nguồn tài chính khổng lồ của Nga. Theo quan chức này, đây là quyết định nhằm gây sức ép tối đa lên Nga.

Tina Teng, nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh), cho rằng trước căng thẳng về nguồn cung, giá dầu đang hướng tới mức cao nhất trong tháng 3.

Ngoài ra, sự mở cửa trở lại của Trung Quốc cũng là yếu tố hỗ trợ đà tăng của giá dầu. Trong tháng 3, giá dầu đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008 và đã tăng hơn 55% từ đầu năm đến nay.

Từ 1/6, cuộc sống của người dân Thượng Hải (Trung Quốc) sẽ dần trở lại bình thường, khi những "tấm vé thông hành" do các tòa nhà dân cư cấp cho người dân ra ngoài trong vài giờ sẽ bị loại bỏ, giao thông công cộng sẽ hoạt động trở lại và người dân có thể trở lại nơi làm việc.

Giá dầu tăng còn do tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+). Vào tháng 7/2021, OPEC+ đã nhất trí duy trì chính sách tăng sản lượng ở mức 400.000 thùng/ngày. Tuy nhiên thực tế, sản lượng dầu của nhóm này đã giảm mạnh. Vào tháng 4, OPEC+ sản xuất thấp hơn mục tiêu 2,6 triệu thùng/ngày, trong đó Nga chiếm tới 50% mức thiếu hụt.

OPEC+ dự kiến bám sát thỏa thuận năm 2021 tại cuộc họp ngày 2/6, với mức tăng sản lượng khiêm tốn trong tháng 7, bất chấp lời kêu gọi của các nước phương Tây về việc tăng nhanh sản lượng để hạn chế đà tăng của giá dầu.

Các thành viên của OPEC+ cho rằng thị trường dầu đang cân bằng và đà tăng giá gần đây không liên quan đến các yếu tố cơ bản.

Bất kỳ lệnh cấm vận mới nào đối với dầu của Nga sẽ khiến thị trường dầu thô vốn đã thắt chặt về nguồn cung thêm phần căng thẳng, giữa bối cảnh nhu cầu xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay tăng cao trước mùa cao điểm đi lại ở Mỹ và châu Âu.

IMF: Vùng Vịnh có thêm 1.400 tỷ USD trong 5 năm tới nhờ giá dầu cao IMF: Vùng Vịnh có thêm 1.400 tỷ USD trong 5 năm tới nhờ giá dầu cao

VTV.vn - Các nền kinh tế Vùng Vịnh có thể sẽ thu được thêm 1.000 - 1.400 tỷ USD lợi nhuận trong 5 năm tới nhờ giá dầu tăng cao, theo dự báo mới do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước