Giá dầu tăng mạnh nhất 4 năm sẽ tác động thế nào đến kinh tế thế giới?

Lê Tuyển (PV Đài THVN Thường trú tại Mỹ)-Thứ ba, ngày 08/05/2018 10:08 GMT+7

VTV.vn - Lo sợ sự đổ vỡ trong thỏa thuận hạt nhân giữa 6 cường quốc, giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất 4 năm.

Số phận bản thỏa thuận hạt nhân giữa 6 cường quốc, trong đó có Mỹ với Iran đạt được hồi tháng 7/2015 đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo thông báo mới nhất, vào lúc 14h ngày 8/5 theo giờ Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đưa ra quan điểm chính thức về việc nước Mỹ có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này hay không, đồng nghĩa với việc liệu Iran có phải đối mặt lại với các lệnh trừng phạt kinh tế vốn bị áp đặt trước đó từ phía phương Tây. Lo sợ sự đổ vỡ trong bản thỏa thuận trên, giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất 4 năm.

Giá dầu trong phiên giao dịch đầu tuần sau một loạt thông tin Mỹ có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran?

Mặc dù phiên giao dịch đầu tuần dầu thô có tăng giá chậm hơn so với cuối tuần trước nhưng vẫn tiếp tục đà đi lên khi chốt phiên. Hiện dầu thô đang trụ quanh mức 69,80 USD/thùng, trong khi đó dầu Brent đã tăng lên 75,34USD/thùng. Đây vẫn là những mức giá rất cao kể từ năm 2014, trước khi thỏa thuận hạt nhân với Iran được ký.

Các nhà đầu tư cho rằng khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran là rất cao sau tuyên bố ngày 8/5 của ông Trump rằng Mỹ sẽ đưa ra quyết định sớm hơn 4 ngày so với hạn chót 12/5. Cùng lúc Iran cũng tỏ ra cứng rắn sẽ không chấp nhận đàm phán lại.

Nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, các lệnh cấm vận, đặc biệt vốn áp lên xuất khẩu dầu của Iran có thể được áp dụng lại. Khi đó Iran, thành viên lớn thứ 3 trong Tổ chức Xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có thể sẽ bị hạn chế đầu ra. Nguồn cung dầu của thế giới giảm đi sẽ khiến giá dầu đứng trước khả năng tăng cao trở lại.

Khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận còn có thể gây ra những ảnh hưởng nào tới thị trường năng lượng toàn cầu?

Phố Wall dự báo giá dầu có thể tăng thêm 10USD/thùng nếu như Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Hiện có rất nhiều công ty khai thác dầu quốc tế đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nếu thỏa thuận hạt nhân với Iran bị thay đổi. Ví dụ ông lớn về khai thác dầu Total của Pháp, cùng với CNPC của Trung Quốc đã ký một hợp đồng 20 năm trị giá 5 tỷ USD để khai thác khí đốt ngoài khơi của Iran.

Royal Dutch Shell của Anh và Hà Lan cũng đã có hợp đồng để tiếp cận 3 mỏ dầu và khí đốt lớn nhất của Iran. SKE&C của Hàn Quốc cũng ký thỏa thuận 1,8 tỷ USD với Iran để nâng cấp nhà máy lọc dầu phía Tây Nam của nước này. Tất cả các hợp đồng đều đã được ký và chỉ chờ thời điểm tốt để giúp Iran đẩy mạnh việc khai thác dầu ra thị trường.

Dù Mỹ chỉ là một trong sáu bên tham gia ký thỏa thuận hạt nhân và việc rời khỏi thỏa thuận cần được Quốc hội Mỹ thông qua nhưng khả năng cùng lúc Mỹ sẽ áp dụng lại lệnh cấm vận lên dầu mỏ của Iran là không loại trừ. Đây sẽ là kịch bản không mong muốn của các tập đoàn khai thác dầu đã bước chân vào Iran và các nước tham gia ký thỏa thuận cùng Mỹ.

Một phần đầu ra dầu mỏ của Iran bị bóp nghẹt có thể đẩy giá dầu thế giới tăng cao, hoạt động của các tập đoàn đầu tư vào Iran bị ảnh hưởng và đặc biệt tác động trực tiếp lên kinh tế Iran.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước