Giá dầu thế giới tăng
Giá dầu thế giới tăng sau khi Saudi Arabia thông báo sẽ cắt giảm thêm sản lượng trong tháng 6, trong khi các thành viên khác trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết họ muốn gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đạt được hồi tháng 4/2020.
Khép lại phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 6,8% lên 25,78 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 1,2% lên 29,98 USD/thùng.
Tháng trước, OPEC và một số nước sản xuất dầu lớn khác (OPEC+) đã quyết định cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 5 và tháng 6/2020, nhằm ứng phó với việc nhu cầu nhiên liệu toàn cầu giảm 30% do dịch COVID-19.
Ngày 12/5, các nguồn tin cho hay OPEC+ muốn gia hạn hoạt động trên tới sau tháng 6/2020. Trước đó một ngày, Saudi Arabia cho biết nước này sẽ cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng tới, đưa tổng sản lượng khai thác xuống còn 7,5 triệu thùng/ngày, giảm gần 40% so với mức ghi nhận vào tháng 4/2020. Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Kuwait cũng cam kết tăng lượng dầu cắt giảm thêm 180.000 thùng/ngày.
Theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 8,1 triệu thùng/ngày xuống 92,6 triệu thùng/ngày, thay đổi đáng kể so với con số mà cơ quan này đưa ra trước đó.
Giá vàng thế giới tăng trước kỳ vọng về các biện pháp kích thích bổ sung
Cũng trong phiên 12/5, giá vàng thế giới tăng trước những đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tung ra thêm các biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế bị "kiệt quệ" bởi những hạn chế được áp dụng trước đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Ngoài ra, đồng USD suy yếu cũng tiếp thêm sức cho thị trường vàng.
Khoảng 0h51 sáng 13/5 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.701,44 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,5% lên 1.706,8 USD/ounce.
FED sẽ bắt đầu mua cổ phiếu của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) thông qua Chương trình huy động tín dụng doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp (SMCCF). Chương trình này là một trong số các công cụ được FED tạo ra gần đây để cải thiện chức năng thị trường trong bối cảnh đại dịch.
Giá vàng đã tăng hơn 12% kể từ đầu năm 2020 đến nay khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tung ra một loạt biện pháp kích thích để hạn chế những thiệt hại kinh tế do dịch COVID-19 gây ra. Vàng thường được hưởng lợi từ các biện pháp kích thích quy mô lớn bởi kim loại quý này được cho là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ lạm phát và đồng tiền mất giá.
Sáng 13/5, các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước điều chỉnh giá vàng SJC trái chiều nhau, tuy nhiên, kim loại quý vẫn vững giá trên mốc 48 triệu đồng/lượng. So với giá đóng cửa hôm qua, giá bán ra không đổi và giá mua vào được điều chỉnh tăng 20 nghìn đồng/lượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!