Giá dầu vẫn trong xu hướng giảm

Anh Quang-Thứ sáu, ngày 02/06/2023 13:49 GMT+7

VTV.vn - Giá dầu thời gian qua không có sự gia tăng đáng kể nào, thậm chí còn đang trong xu thế giảm.

Đây được xem là những diễn biến ngoài dự báo vì từ tháng 5, OPEC+ quyết định cắt giảm thêm gần 1,2 triệu thùng/ngày, qua đó đưa tổng sản lượng cắt giảm lên tới gần 3,7 triệu thùng/ngày nếu tính từ tháng 10/2022 đến nay.

Ngày 4/6, Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu và đối tác (OPEC+) sẽ nhóm họp về sản lượng tại Vienna, Áo. Nhóm sẽ thảo luận về việc có cắt giảm thêm sản lượng hay không.

Giá dầu thế giới giao kỳ hạn từ tháng 5 - thời điểm cắt giảm sản lượng, đã giảm khoảng 8% giá trị. Nhu cầu dầu trung bình hàng ngày của thế giới đang cao hơn so với nguồn cung, nhưng giá không tăng, mà thậm chí còn giảm.

Tờ Thời báo phố Wall giải thích, dường như Nga đã không giảm sản lượng đúng mức cam kết. Thực tế, Nga đã cam kết cắt giảm 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 3 đến cuối năm nay. Tuy nhiên báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lại cho rằng, Moscow chỉ đang cắt giảm quanh mức 200.000 thùng/ngày.

Giá dầu vẫn trong xu hướng giảm - Ảnh 1.

Giá dầu Brent được dự báo sẽ ở mức trung bình 84,73 USD/thùng vào cuối năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)

Trong khi đó, một lượng lớn dầu giá rẻ chưa xác định vẫn đang được bơm vào thị trường để tối đa hóa nguồn thu. Hiện cung lại vượt quá cầu. Liệu điều này có đúng để lý giải cho việc giá dầu vẫn đang trong xu hướng giảm hiện nay?

Xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga tuần trước đã giảm lần đầu tiên sau 6 tuần, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm Nga tuyên bố cắt giảm 500.000 thùng/ngày.

Xung quanh chuyện cắt giảm sản lượng của Nga

Nga đã cam kết giảm sản lượng từ mức của tháng 2 là 10,2 triệu thùng mỗi ngày, xuống còn 9,7 triệu thùng. Mặc dù có sự khác biệt trong đánh giá về khối lượng sản xuất, nhưng hầu hết các nguồn tin nước ngoài đều cho thấy Nga đang giảm sản lượng dầu.

Theo Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), tháng 2 năm nay, sản lượng dầu ở Nga lên tới 11,1 triệu thùng mỗi ngày và tháng 4 là 10,5 triệu thùng mỗi ngày, giảm tới 600.000 thùng.

Một cách tính khác của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts của Anh, sản lượng của Nga trong tháng 4 là 9,6 triệu thùng mỗi ngày.

Điều đáng chú ý, Mỹ nói về sản xuất dầu khí ngưng tụ, trong khi Anh là dầu mỏ. Tỷ lệ khí ngưng tụ trong sản xuất dầu ở Nga là 600.000 - 900.000 thùng mỗi ngày. Do đó, nếu trừ con số này khỏi dữ liệu của Mỹ, xấp xỉ với thống kê mới nhất được công bố của Nga. Với số liệu xuất khẩu dầu thô, điều này cũng không mâu thuẫn.

Trước cấm vận, trung bình Nga bán ra nước ngoài khoảng 4,5 - 4,6 triệu thùng dầu mỗi ngày và hiện xuất khẩu của Nga cũng đang ở mức này.

Một số chuyên gia lý giải, việc giảm sản lượng không nhất thiết đồng nghĩa với việc giảm xuất khẩu. Với việc giảm khối lượng lọc dầu, việc tăng xuất khẩu cũng có thể xảy ra, chưa kể đến việc tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu trong nước.

Thực tế, việc giảm sản lượng có lợi cho Nga, vì nó hỗ trợ giá dầu và giúp giảm mức chiết khấu dầu Nga so với dầu Brent. Sự bất đồng với OPEC+ là điều hoàn toàn không cần thiết đối với Nga lúc này và sẽ có lợi cho các nước nhập khẩu, chủ yếu là EU và Mỹ.

OPEC+ phát đi tín hiệu trái chiều về chính sách sản lượng

Tính từ tháng 10/2022, OPEC+ đã hạ mức sản lượng mục tiêu tới 3,7 triệu thùng/ngày và đến nay, nguồn cung đã cắt giảm thực tế trên thị trường cũng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.

Tháng 5 vừa qua, giá dầu Brent vẫn chỉ dao động xung quanh khoảng 72 - 75 USD/thùng. Chiếc van điều tiết giá dầu của OPEC+ rõ ràng đang cho thấy chưa thực sự như những gì họ mong đợi.

Các đánh giá tại Trung Đông đều cho rằng, mức 80 USD/thùng với các nước như Saudi Arabia mới là mức chấp nhận được. Vậy liệu OPEC+ có cắt giảm thêm sản lượng trong cuộc họp ngày 4/6 tới đây, cho tới nay, không nhiều người dám chắc.

Chẳng hạn như Nga, đến nay cũng đã phát đi các tín hiệu, không muốn vội cắt giảm thêm sản lượng. Với Nga, dầu không chỉ mang lại cho họ nguồn thu, mà còn đang là một công cụ chính trị ngoại giao rất quan trọng. Cắt giảm nguồn cung, sức ảnh hưởng của Nga cũng bị sụt giảm.

Trong khi đó, Bộ trưởng dầu mỏ Iraq cũng cho biết, họ sẽ không thể cắt giảm thêm nữa nguồn cung. Trong bối cảnh hiện nay, OPEC+ được cho sẽ dùng kế hoãn binh trong kế hoạch cắt giảm sản lượng.

Mùa hè đến, đây là mùa cao điểm của du lịch và cũng như giao thông vận tải. Nếu giá dầu tới đây vẫn không vực lên được, OPEC+ tới khi ấy cắt giảm sản lượng sẽ dễ đạt được sự đồng thuận hơn trong lúc này.

Tuy nhiên, người ta cũng không loại trừ khả năng, một số nước như Saudi Arabia cùng các đồng minh Vùng Vịnh sẽ có thể tiến hành một bước đi cắt giảm sản lượng tự nguyện, như hồi tháng 4 vừa qua.

Dự báo giá dầu dưới 90 USD/thùng trong năm 2023

Có thể thấy, các nước OPEC+ đang phát đi những tín hiệu trái ngược về chính sách sản lượng. Dù mong muốn cắt giảm 3,7 triệu thùng để đẩy giá dầu lên, nhưng thực tế giảm cũng chỉ được chưa đến một nửa. Nguồn lợi từ việc bán dầu vẫn quá hấp dẫn nên những tranh cãi về giảm mà không giảm sẽ vẫn tiếp diễn.

Câu hỏi nhiều người đặt ra lúc này là giá dầu có giữ được mức dự báo trên 90 USD/thùng như phân tích trước đó? Các chuyên gia dự báo khó giữ được mức 90 USD.

Ngoài việc phải xử lý ổn thỏa trong nội bộ OPEC+, việc làm sao để tuân thủ cam kết cắt giảm, theo các chuyên gia, 2 nỗi lo chính đang phủ bóng thị trường dầu là khả năng hồi phục yếu hơn kỳ vọng của nền kinh tế Trung Quốc và sự sụt giảm của nền kinh Mỹ. Những quan ngại về kinh tế dự báo sẽ ghìm giá dầu dưới 90 USD/thùng trong cả năm 2023.

Cuộc khảo sát của Reuters có sự tham gia của 43 nhà kinh tế và nhà phân tích, trong đó dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 84,73 USD/thùng vào cuối năm nay, giảm so với mức 87,1 USD/thùng đưa ra hồi tháng 4.

Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) dự kiến sẽ ở mức trung bình 79,2 USD/thùng trong năm 2023, giảm so với mức 82,23 USD/thùng đưa ra trước đó.

Các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi OPEC+ không cắt giảm sản lượng trong tháng 6, mối đe dọa cắt giảm sản lượng sẽ vẫn còn, miễn là giá dầu duy trì ở mức dưới 80 USD/thùng.

Bất kỳ sự cắt giảm nào thêm từ OPEC+ cũng có thể làm gia tăng căng thẳng cho các nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu, vốn đang nỗ lực chống lạm phát bằng cách tăng chi phí đi vay.

Tháng 4 vừa qua, Washington đã gọi hành động của OPEC+ khi bất ngờ giảm sản lượng là không thích hợp. Trong khi đó, phương Tây liên tục chỉ trích OPEC đã thao túng giá và đứng về phía Nga bất chấp cuộc chiến ở Ukraine. Thùng dầu vẫn sẽ là chủ đề chi phối kinh tế thế giới.

Giá xăng, dầu tại Mỹ giảm sâu Giá xăng, dầu tại Mỹ giảm sâu

VTV.vn - Giá dầu thô tại Mỹ đang giảm, giá xăng thành phẩm cũng đã giảm. Đây là tín hiệu tích cực với nền kinh tế Mỹ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước