Tồn kho gạo thế giới thấp nhất 6 năm
Giá gạo tại châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm qua khi các nhà nhập khẩu tăng cường mua tích trữ do lo ngại nguồn cung giảm mạnh thời gian tới.
Châu Á, khu vực sản xuất gần 90% tổng lượng gạo toàn thế giới nên việc giá gạo lập đỉnh 2 năm được cho sẽ gây áp lực rất lớn lên chi phí sinh hoạt của hơn 3 tỷ người trên hành tinh, khi coi đây là thực phẩm thiết yếu.
Tại Thái Lan, dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo cho thấy, giá gạo tấm 5% của nước này đã tăng khoảng 15% trong 4 tháng qua, lên mức 535 USD/tấn.
Tại Ấn Độ, giá gạo cũng đã tăng lên mức cao nhất 5 năm. Thị trường Việt Nam cũng gây chú ý khi giá gạo 5% tấm chào bán đạt khoảng 500 - 510 USD/tấn.
Giá gạo tấm 5% của nước này đã tăng khoảng 15% trong 4 tháng qua. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bangkok Post)
Lý giải cho đà tăng vọt của giá gạo châu Á cũng như trên thế giới, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, lo ngại nguồn cung sụt giảm là nguyên nhân chính thúc đẩy giá mặt hàng nông sản này.
Khi nói tới nguồn cung tăng hay giảm, thị trường sẽ nhìn vào số liệu tồn kho đầu tiên. Tồn kho thấp thì giá cao, tồn kho tăng thì giá giảm. Hiện tồn kho gạo toàn cầu đang ở mức thấp nhất 6 năm. Niên vụ 2023 - 2024, tồn kho gạo sẽ chỉ đạt hơn 170 triệu tấn.
Thế giới căng thẳng nguồn cung gạo
Theo tổ chức đánh giá thị trường Fitch Solutions, nhiều khả năng thị trường gạo năm 2023 sẽ phải chịu cảnh khan hiếm nguồn cung nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm qua.
Thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, đây là một trong những vựa lúa gạo của Ấn Độ. Hiện gạo của Ấn Độ được các thương lái ưu tiên bán cho thị trường trong nước, không chú trọng nhiều cho xuất khẩu.
"Vấn đề chính hiện nay đang nằm ở lệnh áp thuế 20% của chính phủ Ấn Độ lên các đơn hàng xuất khẩu gạo. Cứ mỗi tấn gạo xuất khẩu hiện nay, như vậy, các doanh nghiệp chúng tôi phải nộp khoảng 90 - 92 USD tiền thuế. Nhiều doanh nghiệp vì thế nay thích bán cho thị trường trong nước hơn. Bởi bán trong nước, có giảm đi 60 USD mỗi tấn gạo, các doanh nghiệp vẫn thu về được nhiều hơn 30 USD nếu so với đem xuất khẩu", ông Pritish Kumar De, doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm từ gạo Max Grow life, Ấn Độ, cho biết.
Thực tế tại Ấn Độ, sản lượng gạo ước tính vẫn đủ cho nhu cầu của quốc gia 1,4 tỷ dân và cũng có phần dư cho xuất khẩu. Tuy nhiên tích trữ lại vẫn đang là tâm lý chiếm ưu thế tại Ấn Độ lúc này.
"Mùa vụ vừa qua chúng ta đã chứng kiến tình trạng lũ lụt nặng tại Pakistan. Hạn hán và cả lũ lụt tại Trung Quốc. Những yếu tố đã khiến diện tích cách tác gạo toàn cầu giảm. Trong khi đó, cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ sẽ lại diễn ra vào năm 2024. Gạo là mặt hàng rất nhạy cảm đối với nền chính trị Ấn Độ, đặc biệt trong bối cảnh đang có những mối lo về an ninh lương thực, sự khan hiếm nguồn cung gạo toàn cầu và cả những vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, bắt nguồn từ xung đột Nga - Ukraine", ông Rohit Agarwal, Tập đoàn kinh doanh gạo Hemraj Group, cho hay.
Tâm lý thận trọng nới lỏng xuất khẩu gạo càng được củng cố khi năm nay thế giới bước vào chu kỳ thời tiết El Nino. Lượng mưa không ổn định cho tới thời điểm này đang khiến diện tích gieo trồng lúa gạo tại Ấn Độ mới chỉ đạt khoảng 5,5 triệu ha, trong khi năm 2022 là hơn 7 triệu ha.
"Năm ngoái, sản lượng cũng đã bị sụt giảm vì các yếu tố thời tiết. Tại bang Tây Bengal, sản lượng năm ngoái đã thấp hơn năm trước đó khoảng 20%", ông Pijus Kanti De, doanh nghiệp kinh doanh gạo Dhaniakhali Agro Products, Ấn Độ, cho biết thêm.
Các dự báo tới nay cho rằng thị trường gạo sẽ trở lại thặng dư vào năm 2024 hoặc năm 2025, nhưng đó là dự báo. Những gì người ta đang thấy hiện nay là nguồn cung gạo đang bị chi phối bởi khá nhiều sức ép, từ biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, cho tới Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới, việc trở lại với mức cung đầy đủ trên thị trường vẫn chưa rõ ràng.
Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo
Có thể thấy, nguồn cung gạo từ Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đến nay là chưa rõ ràng. Thậm chí, Bloomberg trích nguồn tin thân cận cho biết chính phủ Ấn Độ đang thảo luận kế hoạch cấm xuất khẩu tất cả loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á). Nguyên nhân là giá gạo trong nước tăng và họ muốn kiềm chế lạm phát.
Nếu được thực hiện, lệnh cấm này sẽ tác động đến 80% gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Động thái này có thể hạ nhiệt giá trong nước, nhưng sẽ đẩy giá gạo toàn cầu lên cao.
Ấn Độ chiếm khoảng 40% thương mại gạo toàn cầu, năm 2022 đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các lô hàng gạo trắng và gạo lứt sau khi xung đột Nga - Ukraine khiến giá các mặt hàng lương thực như lúa mì và ngô tăng vọt. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường.
Giá gạo có thể tiếp tục tăng
Một trong những thông tin được nhiều báo chí nhắc tới là El Nino - hiện tượng gây ra hạn hán, thiếu hụt mưa đã và đang xuất hiện trở lại lần đầu tiên sau 7 năm, đe dọa gây ra khô hạn tại khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là một trong những nguyên nhân được dự báo có thể khiến giá gạo khu vực châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Nông dân thu hoạch lúa trên một cánh đồng ở Kerala, Ấn Độ. (Ảnh: istock)
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Gạo Thái Lan cho biết, do sự xuất hiện của El Nino, thế giới sẽ bắt đầu thấy rõ tác động của thời tiết khô nóng trong tháng 9 và tháng 10 tới. El Nino dự báo sẽ kéo dài sang năm sau.
Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam nhận định giá gạo có thể tăng thêm 20% nếu sản lượng giảm mạnh, vì hiện tượng El Nino xuất hiện có nghĩa là vụ lúa thứ hai ở hầu hết các quốc gia châu Á sẽ thấp hơn bình thường.
Trên phạm vi toàn cầu, giá gạo cũng được ghi nhận tăng lên mức cao nhất 11 năm. Nguồn cung đứng trước nguy cơ thu hẹp, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ gạo toàn cầu lại cho thấy những dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ. Trong bối cảnh này, các nhà nhập khẩu sẽ còn tăng cường mua tích trữ càng thúc đẩy giá gạo tăng cao.
Giá gạo châu Á cao nhất 2 năm VTV.vn - Giá gạo tại châu Á tăng mạnh khi các nhà nhập khẩu tăng cường tích trữ, do lo ngại nguồn cung bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!