Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm tới nay khá thấp so với các năm gần đây. Nguyên nhân được cho là nhu cầu vốn tín dụng và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn ở mức thấp, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc ngừng hoạt động. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn ra nền kinh tế, từ cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, kết quả thu được dường như chưa đáp ứng kỳ vọng. Xuất phát từ điều này, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 02/2022/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024.
Chính sách này nhận được sự tán thành và ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp, đáp ứng ngay nguyện vọng và những đề xuất nóng bỏng từ phía nhiều hiệp hội và các ngân hàng thương mại. Với 6 tháng tiếp tục được giãn, hoãn thời hạn trả nợ vay ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ có thêm bước đệm để phục hồi, "bồi dưỡng" và củng cố thêm nội lực, tiếp tục duy trì hoạt động và có điều kiện tích lũy hoàn trả nợ vay.
Ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách ngân hàng VietinBank cho hay: "Việc kéo dài Thông tư 02 là cần thiết trong bối cảnh rất nhiều khách hàng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn 2024 – 2025. Người đi vay có thêm thời gian để thực hiện các nghĩa vụ nợ trong khi chờ nền kinh tế phục hồi hoàn toàn vào thời điểm thích hợp. Với việc gia hạn Thông tư 02, cũng có thể giúp giảm áp lực xử lý nợ xấu cho phía ngân hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho phía các doanh nghiệp cho dù chỉ kéo dài thêm 6 tháng".
"Áp lực lãi suất và trả nợ ngân hàng luôn là mối lo đè chặt trên vai doanh nghiệp. Hậu quả của dịch COVID-19 làm "tê liệt" nền kinh tế vẫn là những thách thức, khó khăn chưa được giải quyết đối với hầu hết doanh nghiệp, nay tiếp tục là những tác động tiêu cực từ tình hình kinh tế toàn cầu đối với thị trường tiêu thụ khiến cho doanh nghiệp đau đầu đối diện với tình cảnh tồn kho thép, nợ đọng do khách hàng của chính mình cũng khó khăn tài chính", ông Trần Bảo Toàn - lãnh đạo chuỗi doanh nghiệp Hảo An Phát, Phú An Phát và Bảo An Phát chia sẻ.
Hiện nay doanh nghiệp đang xoay xở, tìm kiếm nhiều nguồn lực tài chính, kể cả từ các quỹ tín dụng đầu tư, nhưng đi vay để trả nợ là điều bần cùng bất đắc dĩ. Do đó, việc giãn, hoãn thời hạn trả nợ vay mà Ngân hàng Nhà nước mới công bố chắc chắn sẽ rất hữu ích giúp doanh nghiệp có thêm thời gian tìm kiếm đơn hàng, mang lại doanh thu về cho công ty và có thêm tài chính để trang trải các khoản nợ.
Hiện tại trong công việc kinh doanh, tình hình cũng khá phức tạp, theo ông Toàn, doanh nghiệp chưa dám có quyết định lớn nào mà từng bước triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh rất thận trọng. Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có khoản vay để kinh doanh thật tốt, phù hợp với điều kiện hiện tại của doanh nghiệp bởi nhiều nguồn vốn tín dụng hiện tại đang được mời chào cấp vốn lại đều dành cho những dự án mới; trong khi, doanh nghiệp đang cần nguồn tín dụng để bù đắp thêm vốn kinh doanh và quay vòng vốn.
Ông Nguyễn Thái Sơn - Phó Tổng Giám đốc Nhôm Đô Thành cho biết: "Doanh thu cũng như sản lượng của Nhôm Đô Thành đang giảm 40% nên ảnh hưởng lớn đến dòng tiền và nguồn lưu động vốn cho doanh nghiệp. Hiện nay, công ty đang phải vay với mức lãi suất cao hơn 1% so với trước".
Doanh nghiệp mong muốn sớm được giảm lãi suất, giảm bớt chi phí tài chính và cũng như như nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác, việc tiếp cận vốn vay cũng không dễ dàng khi thiếu tài sản đảm bảo. Hiện đã có một số ngân hàng đưa ra các gói vay ưu đãi, cho vay tín chấp nhưng chưa nhiều, chủ yếu dành cho các doanh nghiệp lớn có uy tín. Do đó, Nhôm Đô Thành cũng như nhiều doanh nghiệp khác đang rất trông đợi Thông tư 02 sớm được triển khai, phát huy hiệu quả trên thực tiễn và đem lại lợi ích trực tiếp, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!