Khoai lang chưa tới 1.000 đồng/kg
Nhiều nông dân trồng khoai lang tím Nhật tại Vĩnh Long đang khốn đốn vì giá nông sản này rớt giá mạnh, chỉ còn chưa tới 1.000 đồng/kg. Thậm chí, có người trồng kêu cho nhưng không ai lấy.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân, hiện toàn huyện còn khoảng 4.100 ha khoai lang (chủ yếu là khoai lang tím Nhật), trong đó có hơn 800 ha đã tới thời điểm thu hoạch nhưng chưa có đầu ra. Năng suất khoai lang năm nay khá tốt, từ 50-70 tạ/công (mỗi tạ 60 kg).
Điêu đứng vì khoai lang chưa tới 1.000 đồng/kg.
Trước đây, một tạ khoai lang nông dân bán được từ 500.000-700.000 đồng, nay giảm xuống chỉ còn 30.000-40.000 đồng. Với mỗi công khoai lang nông dân lỗ khoảng 15 triệu đồng. Còn người nào thuê đất trồng khoai thì lỗ khoảng 20 triệu đồng/công. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay, nhiều hộ nông dân trồng khoai đã lâm cảnh nợ nần sau vụ này.
Bên ruộng khoai lang khoảng 10 công tới ngày thu hoạch nhưng gọi điện nhiều thương lái không ai đến mua, ông Võ Văn Tước (trú tại xã Tân Thành, huyện Bình Tân) chua xót nói: "Giá khoai lang tím Nhật trước Tết có thời điểm lên đến 1 triệu đồng/tạ, rồi từ từ sụt giảm cho tới nay, chỉ còn 40.000 đồng/tạ. Tính ra chưa tới 1.000 đồng/kg. Năm nay năng suất khoai khá tốt khoảng 70 tạ/công nhưng với giá bán như trên thì tôi cầm chắc lỗ khoảng 150 triệu đồng".
Ông Tước cho biết thêm trước kia giá khoai lang có sụt giảm nhưng kêu thương lái đến mua thì họ vẫn đến cân nhưng hiện nay thì gọi mãi không thấy tới. "Tôi có gọi vài người quen, năn nỉ họ đến thu hoạch khoai lang và ai cũng hứa nhưng không đến. Bây giờ khoai lang vẫn còn neo trên đồng, nếu thuê nhân công thu hoạch, mình lại tốn thêm chi phí. Năm nay thật sự là nhiều nông dân trồng khoai thua lỗ, trắng tay" - ông Tước than vãn.
Một thương lái thu mua khoai lang cho biết, 95% sản lượng khoai lang tím Nhật là xuất sang Trung Quốc. Do dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều thương lái và chuyên gia Trung Quốc không sang được Việt Nam để thu mua, chính vì vậy khiến giá khoai lang sụt giảm. Hiện khoai lang tím Nhật chỉ bán trong nội địa nhưng lượng tiêu thụ rất ít do thị trường trong nước không ưa chuộng loại khoai này.
Bí xanh rớt giá kỷ lục
Suốt 3 tuần nay chị Trần Thị Bé ở Hoàng Mai, Hà Nội liên tục rao trên facebook cá nhân và các group chợ online những mẻ bí đao ở Thái Bình quê chị, với mức giá rẻ giật mình, chỉ 6.000 đồng/kg.
Chị Bé cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, người nhà ở quê chị bắt đầu bước vào những ngày thu hoạch bí đao. "Quê mình ở Vũ Thư, Thái Bình. Toàn huyện gieo trồng loại bí này nhiều lắm. Trong đó hầu hết là giống bí đao xanh đặc Hải Dương cho năng suất cao. Loại bí đao này nhiều cùi, thơm, mẫu mã quả đẹp".
Ngoài được trồng theo cách truyền thống, người dân Vũ Thư còn trồng bí đao theo giàn chóp, hoặc giàn ngang theo cột bê tông chắc chắn. Loại bí này năm nay rất được mùa, nhưng do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên thương lái các nơi không thể về quê lấy bí đi các tỉnh bán. Do đó, giá bí đao rớt thê thảm.
"Hiện bí đao đã vào mùa thu hoạch nhưng vắng bóng thương lái đến hỏi mua. Tại các vườn không còn tấp nập người mua kẻ bán mà vắng hoe. Năm trước, giá bí bán trung bình 10.000 đồng/kg. Thế mà năm nay, khi người dân chuyển gieo trồng cây bí cho hiệu quả cao hơn so với cấy lúa thì giá bí xanh chỉ còn 6.000 đồng/kg. Chưa năm nào giá bí đao lại rẻ đến vậy", chị Bé than thở.
Tiểu thương này nhận xét, bí đao xanh đầu mùa ăn ngọt, thơm và đảm bảo là thực phẩm sạch. Để hỗ trợ bà con tiêu thụ, cứ hai ngày một lần, bố mẹ và người nhà sẽ chuyển lên cho chị Bé 1-2 tạ bí đao để chị bán giúp tại Hà Nội, với giá 6.000 đồng/kg.
Nếu không bán được, mọi người cũng chỉ cắt về nhà chất đống ăn dần. Số còn lại ngoài vườn thì đành chấp nhận hư hỏng.
Giá lợn hơi giảm kỷ lục
Theo ghi nhận, giá thịt lợn hơi ngày 28/5 tại khu vực miền Bắc dao động 64.000 - 70.000 đồng/kg. Tại thành phố Hà Nội, giá thịt lợn hơi ở mức 70.000 đồng/kg thấp hơn 1.000 đồng/kg so với hôm qua (27/5). Khu vực miền Bắc cũng là nơi có giá thịt lợn hơi thấp nhất cả nước.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá thịt lợn hơi dao động từ 67.000 - 70.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, giá thịt lợn hơi giao dịch trong khoảng từ 67.000 - 70.000 đồng/kg. So với cùng thời điểm này năm 2020, giá thịt lợn hơi trên cả nước đã giảm từ 30.000 - 32.000 đồng/kg.
Tuy giá thịt lợn hơi liên tục giảm và đang ở mức đáy trong vòng hơn 1 năm qua, song giá thịt lợn tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ và chợ truyền thống vẫn còn cao.
Giá thịt lợn ghi nhận mức thấp nhất trong một năm qua vào đầu tháng 5.
Cụ thể, tại chuỗi siêu thị Big C, giá thịt ba rọi đang được bày bán với giá 183.000 đồng/kg, thịt vai heo 115.900 đồng/kg, thịt sườn 200.000 đồng/kg.
Tại chuỗi cửa hàng bán lẻ Vinmart, giá thịt ba rọi là 179.000 đồng/kg, thịt vai và thịt sườn lần lượt là 149.000 đồng/kg và 150.900 đồng/kg. Trong đó, đắt nhất là loại sườn non đặc biệt có giá lên tới 286.900 đồng/kg.
So với thời điểm giá lợn hơi lập đỉnh vào cùng kỳ năm ngoái, mức giảm tại các siêu thị không đáng kể, chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng/kg. Thậm chí, một số loại thịt không có sự biến động nhiều về giá cả.
Còn tại các khu chợ truyền thống, giá thịt lợn ở mức 120.000-160.000 đồng/kg. Cụ thể giá thịt lợn mông, vai là 120.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 150.000 đồng/kg, đắt nhất là thịt sườn có giá 160.000 đồng/kg. So với cùng thời điểm năm ngoái, giá thịt giảm 25.000-35.000 đồng/kg.
Vải thiều sang Nhật giá 380.000 đồng/kg
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Giang, cho biết 20 tấn vải thiều Tân Yên của Bắc Giang khi sang Nhật đã được tiêu thụ gần hết sau ngày đầu tiên mở bán.
Trong đó, giá bán lẻ vải thiều trên các kệ ở siêu thị Nhật Bản dao động 1.650 - 1.800 yên/kg, tương đương 350.000-380.000 đồng/kg.
"Thông tin từ Tham tán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết dự kiến trong năm nay, các đơn vị, nhà nhập khẩu của Nhật sẽ nhập hơn 1.000 tấn vải thiều của Việt Nam, nghĩa là gấp 20 lần tổng số lượng vải thiều xuất sang Nhật năm ngoái" - ông cho hay.
Vải thiều sang Nhật giá 380.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Thọ, hiện nay, trên toàn tỉnh Bắc Giang, diện tích trồng vải thiều là khoảng 28.100 ha với sản lượng dự kiến đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Trong đó, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh dự kiến đạt trên 15.200 ha, GlobalGAP diện tích 82 ha.
Về thời gian thu hoạch dự kiến, ông cho biết, vải chín sớm sẽ tập trung thu hoạch rộ trong thời gian từ 20/5 đến 10/6, vải chính vụ sẽ thu hoạch rộ từ 10/6 đến 20/7.
Trước đó, ngày 26/5, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã làm lễ xuất hành vải thiều sớm đi Nhật. Đây cũng là lô vải thiều đầu tiên của Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật trong năm nay.
Tại buổi lễ, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, nhấn mạnh, việc xuất hành chuyến vải thiều sớm Tân Yên đến thị trường Nhật Bản là một trong những sự kiện quan trọng, thể hiện quyết tâm của chính quyền, nhân dân khi chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để tiêu thụ vải thiều tuyệt đối an toàn trong bối cảnh dịch bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!