Theo đó, tại miền Bắc, giá lợn hơi dao động ở mức 48.000 - 49.000/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với tuần trước.
Cụ thể, mức giá thấp nhất khu vực là 48.000 đồng/kg được thương lái thu mua tại các tỉnh phía Bắc như: Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động 47.000 - 52.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, giá lợn hơi dao động 50.000 - 52.000 đồng/kg, ổn định so với tuần trước.
Nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm mạnh là do nguồn cung thực phẩm nội địa và nhập khẩu đều tăng trong khi sức mua thấp do ảnh hưởng lạm phát . Dự báo, xu hướng giá lợn hơi thấp sẽ còn kéo dài ít nhất hết quý I/2023.
Tuần qua, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước tiếp tục ghi nhận mức giảm nhẹ. Ảnh minh họa.
Nông dân bỏ chuồng khi giá lợn hơi xuống thấp
Sức tiêu thụ thịt lợn tại các nhà hàng, quán ăn, khu công nghiệp... hiện xuống mức thấp, đã đẩy giá lợn hơi tiếp tục lao dốc kỷ lục trong 2 năm qua khi chỉ ở quanh mức 47.000 - 49.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi không giảm đang gây áp lực rất lớn cho người chăn nuôi hiện nay.
Tự nấu cám cho đàn lợn 3 nái 10 thịt từ 2 năm qua nhưng đến nay anh Hậu - xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội cũng chuẩn bị phải đóng chuồng.
Dù tiết giảm tối đa chi phí đầu vào nhưng khi giá lợn hơi giảm sâu xuống dưới 50.000 đồng/kg các nông hộ sẽ rất khó để duy trì.
Áp lực từ giá thức ăn chăn nuôi cao, trong khi giá bán thấp đang khiến 3/4 số hộ chăn nuôi tại xã Đồng Quang - thủ phủ chăn nuôi của huyện Quốc Oai phải bỏ chuồng. Chắc chắn việc vào đàn thời điểm này sẽ rất khó khăn khi không có sự thay đổi trong thời gian tới.
Anh Minh (huyện Quốc Oai) đã bỏ chuồng từ hơn 1 năm nay. Anh vẫn mong khi các loại chi phí giảm, giá lợn hơi tăng lại để vào đàn nhưng như hiện nay việc duy trì đã là rất khó.
Giá lợn hơi giảm, mức tiêu thụ ít đi đang là thực tế khiến cho ngành chăn nuôi gập khó khăn hơn bao giờ hết. Nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm và duy trì ở mức thấp chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng thấp, không phải xuất phát từ việc tăng nguồn cung. Vì vậy, để người chăn nuôi có lãi thời điểm này là rất khó khăn.
Giải pháp hỗ trợ ngành chăn nuôi
Hiện nay, tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 26,2 triệu con, tăng 11,4% so với năm 2021. Khi nguồn cung dồi dào nhưng sức tiêu thụ lại giảm để duy trì đàn lợn trong bối cảnh hiện nay là một sự thách thức lớn. Giảm giá thức ăn, cùng với đó là chủ động nguồn nguyên liệu vẫn là nhiệm vụ hàng đầu để tháo gỡ những khó khăn hiện tại.
Thu mua ngô trong nước thay cho các loại nguyên liệu nhập khẩu đang là giải pháp Công ty Hải Thịnh, Bắc Giang lựa chọn để giảm giá cám chăn nuôi trong hơn hai năm qua. Sử dụng nguyên liệu trong nước đang giảm từ 15 - 20% giá thức ăn chăn nuôi hiện nay.
Đầu tháng 3, Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã họp bàn với Cục trồng trọt và Cục bảo vệ thực vật cùng các địa phương về việc tăng sản lượng trồng ngô phục vụ làm thức ăn chăn nuôi. Theo dự kiến, năm nay sẽ tăng lên ít nhất 10%.
Tín hiệu khó khăn bắt đầu từ cuối quý III/2022, sau khi giá lợn hơi có thời điểm lên đến 75.000 đồng/kg rồi từ đó tụt dốc cho đến nay. Chưa kể, số lượng lợn đến tuổi xuất chuồng của cả các doanh nghiệp chăn nuôi lớn và các nông hộ dồn toa đến thời điểm này vẫn chưa tiêu thụ hết khiến nguồn cung ở mức cao.
Do đó, để ổn định giá lợn hơi trong nước, Việt Nam cần sớm thương thảo với các nước để xuất khẩu thịt lợn chính ngạch, tuy nhiên sẽ cần có lộ trình chưa thể triển khai ngay thời điểm này.
Đảm bảo bình ổn giá thịt lợn VTV.vn - Nhiều doanh nghiệp cam kết sẽ đưa ra giá bán bình ổn, nhất là với mặt hàng thịt lợn, thực phẩm chế biến từ thịt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!