Giá nhân công Việt Nam đang tăng cao

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 02/05/2019 11:17 GMT+7

VTV.vn - Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chi phí bình quân hàng năm mỗi doanh nghiệp ở Việt Nam phải trả cho người lao động vào khoảng 2.739 USD/người.

"Giá nhân công Việt Nam đang tăng cao" - bài viết này trên VNEconomy có vẻ là một tin vui với người lao động trong những ngày đầu tháng 5 - Tháng của công nhân bởi tiền lương đang tăng dần. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chi phí bình quân hàng năm mỗi doanh nghiệp ở Việt Nam phải trả cho người lao động vào khoảng 2.739 USD/người. Con số này cao gấp đôi so với ở Lào, Myanmar và Malaysia, đồng thời cao hơn 30 - 45% so với ở Campuchia, Thái Lan và Philippines.

Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh khác, theo Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), hơn 60% các công ty Nhật cho rằng chi phí nhân công cao là một trở ngại với họ ở Việt Nam bởi vậy lợi thế của Việt Nam với tư cách một điểm đến có giá nhân công rẻ đối với các công ty Nhật Bản đang giảm dần. Điều này cũng có thể ảnh hưởng ít nhiều tới dòng vốn FDI từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Giá nhân công Việt Nam đang tăng cao - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cũng liên quan tới cuộc sống của người lao động, Thời báo Kinh tế Sài gòn Online có bài "Cơ hội mua nhà giá thấp đang xa dần", phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp đang quay lưng lại với việc xây dựng nhà giá thấp. Nghiên cứu của công ty DKRA Việt Nam chỉ ra, từ giữa năm 2017 đến nay, phân khúc căn hộ hạng C (căn hộ bình dân - giá bán dưới 1.000 USD/m2, tương đương khoảng 23 triệu đồng) có sự sụt giảm mạnh về nguồn cung và luôn bị áp đảo bởi căn hộ cao cấp và trung cấp. Thậm chí, có những thời điểm phân khúc này hoàn toàn không có nguồn cung mới.

Bài viết dẫn lời các doanh nghiệp cho rằng thị trường bùng nổ nhà cao cấp vì đầu tư 1 đồng lời 1 đồng; còn với nhà giá thấp, nhà ở xã hội, doanh nghiệp bỏ 10 đồng mới lời được 1 đồng. Trong khi, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện các thủ tục rườm rà từ A-Z giống các dự án nhà ở cao cấp, nên doanh nghiệp không mấy mặn mà.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định đây là biểu hiện lệch pha cung - cầu và là chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững. Nếu không linh hoạt thay đổi cơ chế thì không loại trừ nhà giá rẻ có thể biến mất.

Một vấn đề khác cũng được nhiều báo đưa tin là sữa Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây sẽ là cơ hội mới cho các doanh nghiệp lớn như Vinamilk hay Thtruemilk. Theo thông tin trên trang cafeF, năm 2018, người dân Trung Quốc chi hơn 10,6 tỷ USD để nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa, trong đó gần 70% là sữa bột. Bài viết cho biết sở dĩ Trung Quốc nhập khẩu sữa nhiều như vậy vì 2 yếu tố: Thứ nhất, chi phí sản xuất sữa trong nước ở Trung Quốc cao hơn mức trung bình toàn cầu; Thứ hai, vì người tiêu dùng thiếu niềm tin với các sản phẩm sữa trong nước, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng sữa nhiễm melamine ở quốc gia này - một loại hóa chất dùng trong sản xuất nhựa đã bị cho vào sữa bột để tăng chỉ số hàm lượng protein. Do vậy, các doanh nghiệp Việt cần hiểu thị trường Trung Quốc để có chiến lược phù hợp.

Mở cửa với mặt hàng sữa nhưng từ ngày 1/5, Trung Quốc lại siết chặt các quy định về nhập khẩu trái cây từ Việt Nam. Báo Diễn đàn doanh nghiệp thông tin các quy định về bao bì và truy xuất nguồn gốc sẽ bị kiểm soát gắt gao hơn. Ví dụ như Hải quan Trung Quốc sẽ không thông quan dưa hấu lót rơm, thay vào đó yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có vi sinh vật gây hại để bọc trái.

Cũng vì vậy, báo Người lao động bày tỏ quan ngại nông sản Việt có nguy cơ phải mượn đường Thái Lan để vào Trung Quốc, nếu doanh nghiệp không hiểu rõ thị trường.

Lao động Việt Nam có cơ hội lớn tại Đức Lao động Việt Nam có cơ hội lớn tại Đức

VTV.vn - Nước Đức thiếu nhân công trong các ngành xây dựng, cơ khí, y tá… nên đang chủ động thu hút lao động nước ngoài tới Đức làm việc, trong đó có lao động Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước