Giá tiêu “tăng nóng”, nông dân phấn khởi “để dành” chờ giá

Mai Phương-Thứ tư, ngày 31/03/2021 06:21 GMT+7

VTV.vn - Sau 3 năm "chạm đáy" giá tiêu trong nước bất ngờ tăng mạnh. Trong vòng 3 tuần sau Tết, giá hồ tiêu tăng nóng 40%.

Sự bất thường của giá hồ tiêu năm nay

Giá tiêu tăng lên từng ngày, đặc biệt từ đầu tháng 3 đến nay. Từ 55.000 đồng/kg, chỉ trong 15 ngày, hồ tiêu tăng thêm gần 20.000 đồng/kg, lên mức trên 76.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá hồ tiêu mới chỉ tăng mạnh ở nội địa, còn thị trường tiêu thụ nước ngoài không tăng tương ứng.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, yếu tố tác động mạnh đến thị trường thời gian qua, đó là hiện tượng găm hàng của người trồng tiêu và gom hàng của một số nhà đầu cơ.

Cả vụ này ông Bùi Quốc Hai (xã An Phước, huyện Bù Đốp, Bình Phước) thu được khoảng 6 - 7 tấn tiêu, sản lượng tính ra chỉ bằng 1/2 so với năm 2020, nên ông cất trong kho coi như "để dành". Dù tuần trước giá có giảm xuống chút ít, ông cũng không vội bán vì tin rằng kiểu gì giá vẫn sẽ tăng tiếp khi sản lượng tiêu của hàng xóm đều giảm.

Giá tiêu “tăng nóng”, nông dân phấn khởi “để dành” chờ giá - Ảnh 1.

Thu hoạch tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: NLĐ)

"So với cả năm trước, giá tiêu có cao hơn một ít nhưng vẫn còn rất thấp. Kỳ vọng giá nhích lên chúng tôi sẽ bán. Hầu như người dân có xu hướng người ta giữ lại để đợi giá nhích lên nên rất ít người bán", ông Bùi Quốc Hai chia sẻ.

Vụ tiêu năm nay, hàng xóm của ông Hai - ông An - chỉ thu hoạch được khoảng hơn 3 tấn. Với giá hiện tại được khoảng hơn 200 triệu, trừ đi công nợ, vật tư nhân công cũng chỉ còn khoảng 100 triệu. Ông quyết định, cứ chờ...

"Giá cả thị trường đang nhích lên, mình đợi giá vì cả một năm mới có một mùa. Nó xuống nó xuống kịch kim, giờ giá đang lên lại, dân mình vẫn cứ hy vọng", ông Vũ Đức An cho hay.

Giá tăng, nông dân phấn khởi và không vội bán, hệ quả là nhiều doanh nghiệp khó có hàng để xuất khẩu.

Thống kê cho thấy trong 2 tháng đầu năm nay, lượng tiêu xuất khẩu giảm 25% so với cùng kỳ. Vì vậy, cả người nông dân và doanh nghiệp đều được khuyến cáo cần thận trọng trước các diễn biến sắp tới. Việc giá tiêu trong nước biến động khó lường sẽ tạo ra tác động không muốn cho cả người bán và người mua, vì đây là cuộc mạo hiểm rủi ro.

Nguồn cung hồ tiêu thế giới chuyển sang Brazil

Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC) gọi đây là "cuộc mạo hiểu rủi ro", bởi giá tiêu Việt Nam quá cao so với kỳ vọng của thị trường quốc tế.

Cụ thể, IPC cho rằng với mức giá đầu vào khoảng 76.000 đồng/kg như hiện nay, giá tiêu Việt Nam bán ra tại thị trường Mỹ phải tăng tương ứng 3.800 USD/ tấn. Tuy nhiên, hiện nay thị trường thế giới chỉ đang chấp nhận mức giá 3.100 USD/tấn. Do đó hiện số lượng hồ tiêu được giao dịch hạn chế tại thị trường Việt Nam và nhu cầu lớn chuyển sang Brazil khi hồ tiêu nước này được giữ ở mức giá đủ thấp.

Giảm thiểu rủi ro từ những lần giá tiêu biến động

18 năm nay, Việt Nam liên tục đứng vị trí số 1 thế giới về khối lượng hồ tiêu xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành hàng này nhiều năm liền bị rớt khỏi nhóm tỷ đô.

Giá tiêu “tăng nóng”, nông dân phấn khởi “để dành” chờ giá - Ảnh 2.

Hiện giá tiêu Việt Nam quá cao so với kỳ vọng của thị trường quốc tế. (Ảnh: NLĐ)

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu chỉ đạt hơn 660 triệu USD, thấp hơn kết quả cách đây 10 năm, trong khi khối lượng xuất khẩu tăng gấp 2,3 lần.

Dự báo đến năm 2050, sản lượng và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do vậy, giá tiêu có thể vẫn còn bấp bênh trong nhiều năm nữa.

Những vườn tiêu hoang hóa, bỏ không là hình ảnh còn lại của thời kỳ người người, nhà nhà đổ xô trồng tiêu những năm trước. 10 năm trước, Việt Nam chỉ có khoảng 45.000 ha trồng tiêu, thời điểm này diện tích đã lên 150.000 ha, cao gấp 3 lần diện tích được quy hoạch.

Sản lượng xuất nhiều, nhưng tiêu sọ có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10 - 15%, còn lại tiêu đen vẫn chiếm tới gần 90%.

Ngược với Việt Nam, các quốc gia khác ít biến động hơn nhờ vào sự khác biệt về chất lượng trong sản phẩm thay vì chỉ đơn thuần về số lượng. 1kg hạt tiêu qua xử lý sấy lạnh có giá bán tại châu Âu cao gấp 6 lần so với hạt tiêu đen thông thường.

Theo Bộ Công Thương, ước tính sản lượng tiêu thu hoạch trong vụ này sẽ giảm khoảng 20%. Áp lực hiện nay về nguồn cung cũng khiến Việt Nam và các quốc gia khác phải nhấn mạnh hơn nữa về tầm quan trọng của việc đa dạng sản phẩm chế biến từ hồ tiêu để gia tăng giá trị thay vì chỉ dựa vào tiêu nguyên hạt như trước.

Giá hồ tiêu: Sau tăng 'nóng' là giảm sâu Giá hồ tiêu: Sau tăng "nóng" là giảm sâu

VTV.vn - Từ cuối tuần qua tới nay, giá hồ tiêu bất ngờ đảo chiều giảm sau khi liên tục tăng từ cuối tháng 2 đến giữa tuần trước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước