Trong nước, lần thứ 2 trong năm nay, giá vàng vượt mốc 49 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây.
Theo đó, đến cuối giờ chiều ngày nay (18/5), giá vàng SJC niêm yết bán ra ở mức 49,4 triệu đồng/lượng, tăng 900 nghìn đồng/lượng so với cuối tuần trước. Ở chiều mua vào, giá vàng SJC tăng gần 600 nghìn đồng, lên mức 48,9 triệu đồng.
Giá vàng SJC niêm yết vào cuối giờ chiếu ngày 18/5.
Nguyên nhân chính đẩy vàng trong nước tăng cao là do biến động của thị trường thế giới. Giá vàng thế giới đã bất ngờ tăng vọt qua ngưỡng 1.750 USD/ounce, mức cao nhất kể từ cuối năm 2012 đến nay sau hàng loạt những dữ liệu kinh tế kém khả quan của nhiều nước, làm gia tăng lo ngại về sự phục hồi kinh tế.
"Thị trường tiếp tục suy đoán về khả năng điều chỉnh lãi suất xuống mức âm của Mỹ và xu hướng hạ lãi suất ở nhiều nước.
Ngoài ra, lo ngại về nguy cơ suy giảm kinh tế cũng xuất hiện sau những số liệu yếu về doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Mỹ, cùng với đó là tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp", Chuyên gia phân tích của Ngân hàng Commerzbank, ông Aaronen Weinberg nhận định.
Giá vàng thế giới tăng cao là nguyên nhân chính đẩy giá vàng trong nước lên cao.
Theo thống kê, chỉ riêng trong năm nay, giá vàng thế giới đã tăng tới 16%.
Do đó, giá vàng trong nước cũng được các thương hiệu đẩy giá lên theo. Tuy nhiên, nếu quy đổi tỷ giá, không tính các loại thuế, phí, giá vàng trong nước đang thấp hơn giá thế giới khoảng 300 nghìn đồng/lượng.
Theo ghi nhận ở một số cửa hàng vàng tại Hà Nội, những người tới giao dịch là có nhu cầu mua hoặc bán thật, và giao dịch với số lượng nhỏ, không có nhiều lệnh đầu cơ lớn.
Đại diện Bảo tín Minh châu cho biết, có khoảng 55% là khách mua vào và 45% khách bán ra. Bản thân các cửa hàng cũng chủ động nới rộng mức chênh lệch mua vào - bán ra để hạn chế rủi ro khi giá biến động.
So với nhiều năm trước, người dân không còn đổ xô đến các cửa hàng vàng để mua hoặc bán nữa
"Các công ty vàng có thể giãn đến 1 triệu hoặc hơn 1 triệu 1 lượng. Tại cửa hàng chúng tôi giãn 55 - 60 giá, tức là mức giãn cao hơn 15 giá so với bình thường", ông Phạm Văn Duy, Chuyên viên vàng trao đổi, Công ty Vàng Bảo Tín Minh Châu cho biết.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi mức chênh lệch mua - bán được nới rộng, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, cân nhắc những rủi ro khi đầu tư vàng. Bởi nếu không sẽ đứng trước rủi ro " mua đỉnh, bán đáy". Hiện chênh lệch giá mua và bán của các thương hiệu phổ biến từ 500 - 600 nghìn đồng/lượng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh giá vàng trong nước chủ yếu chạy theo biến động của giá thế giới, và phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch COVID-19.
"Nếu tình hình dịch bệnh mà các nước trên thế giới và Việt Nam chúng ta có thể kiểm soát được đến cuối tháng 6, thì giá vàng có thể dần dần bình ổn trở lại. Dù vậy, chúng ta khó có thể kỳ vọng giá vàng giảm sâu. Tôi cho rằng giá vàng thế giới sẽ chỉ quanh mức 1.700USD/ounce, còn giá vàng trong nước cũng sẽ dao động quanh vùng từ 48 - 50 triệu đồng/lượng", ông Hiếu dự đoán.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết kể từ sau khi triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng theo Nghị định số 24/2012/ND-CP và các thông tư hướng dẫn, thị trường vàng trong nước đã diễn biến ổn định và tự điều tiết tốt.
Nhiều thời điểm giá vàng thế giới biến động mạnh, khó lường, giá vàng trong nước mặc dù điều chỉnh theo giá vàng thế giới nhưng tốc độ chậm hơn, không xuất hiện các cơn "sốt vàng". Ngân hàng Nhà nước không phải sử dụng ngoại tệ để can thiệp thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!