Giá xăng dầu xuống đáy, cước vận tải vẫn quyết "án binh bất động"

Báo chí toàn cảnh-Chủ nhật, ngày 17/05/2020 09:00 GMT+7

VTV.vn - Tại sao cước vận tải vẫn ở mức cao khi mà giá xăng dầu liên tục giảm giá trong thời gian qua?

Trong bài viết có tiêu đề "Cước vận tải vẫn "cao" khi giá xăng dầu xuống "thấp"", báo Công Thương cho biết, tưởng chừng xăng dầu giảm là cơ hội "ăn nên làm ra" của ngành giao thông vận tải. Tuy nhiên, có một nghịch cảnh đang diễn ra với ngành này hiện nay là mặc dù giá xăng giảm, giá cước không thay đổi.

Giá xăng dầu xuống đáy, cước vận tải vẫn quyết án binh bất động - Ảnh 1.

Cước vận tải vẫn cao khi giá xăng dầu xuống thấp (Ảnh minh họa)

Cũng viết về nội dung trên, tờ Công an thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giá xăng dầu giảm sâu đến hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng giá cước vận tải không giảm, dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang thu lợi nhuận cao bất thường và không công bằng với người sử dụng dịch vụ. Các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp đưa giá cước vận tải về mức hợp lý để các doanh nghiệp sản xuất và người dân không bị áp lực về giá cước.

Doanh nghiệp vận tải vẫn kêu khó

Chủ một doanh nghiệp vận tải cho biết là do vẫn còn trong thời gian nới lỏng giãn cách, nhu cầu đi lại của người dân vẫn hạn chế, do đó, doanh thu thấp dẫn tới lợi nhuận thấp. Doanh thu của công ty vẫn sụt giảm từ 60-70%. 

Thực tế giá xăng giảm chưa thực sự khiến các doanh nghiệp vận tải được hưởng lợi. Mặc dù giá xăng thấp nhưng lợi nhuận chưa tương xứng với các chi phí cố định phải bỏ ra, như các loại thuế phí, bảo trì...

Giá xăng dầu xuống đáy, cước vận tải vẫn quyết án binh bất động - Ảnh 2.

Doanh nghiệp vận tải vẫn kêu khó dù giá xăng dầu xuống đáy

Tờ Lao động phản ánh ý kiến một số doanh nghiệp taxi tại Hà Nội, đó là tình hình chung của taxi trong những ngày này vẫn ít khách do tâm lý e ngại của nhiều người dân. Mặt khác, rất nhiều loại chi phí như phí đăng kiểm, phí đường bộ, khấu hao tài sản không đổi, rồi các khoản phát sinh như mua khẩu trang, dung dịch sát khuẩn… nên dù giá nhiên liệu giảm cũng không bớt được bao nhiêu chi phí.

Giá cước vận tải bị "bỏ quên"?

Viết về vấn đề này, tờ Lao động cho rằng trong khi giá xăng dầu đã được Nhà nước điều chỉnh theo biên độ 15 ngày/lần thì giá cước vận tải lại gần như bị "bỏ quên". Do đó, cần bàn tay điều tiết của cơ quan quản lý. Và đơn vị này phải thể hiện rõ vai trò của mình hơn nữa khi xăng, dầu lên xuống thì giá cước vận tải cũng sẽ tăng giảm hợp lý hơn.

Giá xăng dầu xuống đáy, cước vận tải vẫn quyết án binh bất động - Ảnh 3.

Giá cước vận tải đang bị "bỏ quên"? (Ảnh minh họa)

Còn theo báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, bản thân doanh nghiệp phải tự ý thức giảm giá cước để vừa có lợi cho chính họ, để kích cầu, thu hút hành khách trở lại. Các hiệp hội vận tải phải có ý kiến với các hội viên trong việc điều chỉnh giảm giá cước theo mức giảm giá xăng dầu để giữ khách, để cạnh tranh. 

Còn về phía cơ quan quản lý Nhà nước,cần phải có trách nhiệm để giúp giảm giá cước vận tải vì giá xăng dầu đã giảm sâu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước