Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần; trong đó có 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP). Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành tuyến cao tốc này. Tuy nhiên, tuyến cao tốc này có nguy cơ không về đích đúng hạn khi vẫn gặp khó khăn về nguồn vật liệu và biến động giá vật liệu. Vì vậy việc tìm lời giải cho bài toán thiếu vật liệu làm cao tốc Bắc – Nam cần nhanh chóng giải quyết trong thời gian tới.
Theo phản ánh của các nhà thầu, mặc dù đã có tới 2 nghị quyết được ban hành và nhiều chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhưng quá trình cấp phép mỏ vật liệu phục vụ cho thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc.
Cụ thể, ngày 16/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 về áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020. Nhiều vướng mắc về cơ chế cơ bản được tháo gỡ, kỳ vọng là "chìa khóa" giải quyết nút thắt về vật liệu phục vụ thi công dự án.
Song song với việc ban hành các nghị quyết, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã có nhiều buổi làm việc và chỉ đạo quyết liệt với các địa phương và cơ quan có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc cung cấp vật liệu xây dựng thông thường.
Cùng với chỉ đạo từ Chính phủ, các Bộ: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường cũng đã có nhiều chỉ đạo nhằm tháo gỡ những khó khăn cho dự án, nhất là việc thiếu vật liệu xây dựng để thi công. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện thủ tục ở các địa phương vẫn đang rất chồng chéo, quy trình phức tạp.
Một nhà thầu đang thi công dự án cao tốc Bắc – Nam chia sẻ, theo quy định của Luật Khoáng sản, để cấp phép khai thác vật liệu xây dựng thông thường đối với các mỏ cấp phép mới cần rất nhiều thủ tục bao gồm: Cấp phép thăm dò; phê duyệt trữ lượng; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập và phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; thiết kế mỏ; cấp quyền khai thác; thuê đất… Việc hoàn thành đầy đủ quy trình mất rất nhiều thời gian, nhiều thủ tục phức tạp trong khi nhu cầu thi công đang rất cấp bách.
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Túy Loan. Ảnh minh họa: Huy Hùng.
Tại dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo, đại diện doanh nghiệp dự án này cho biết, hiện nay dự án sẵn sàng nhân lực và vật lực nhưng vẫn chưa thể đẩy mạnh thi công do nguồn cung vật liệu xây dựng đang rất khan hiếm. Để xin được giấy phép khai thác, tỉnh phải lấy ý kiến các bộ, ngành sau đó trình xin ý kiến của hội đồng nhân dân Tuy nhiên, thông thường mỗi năm hội đồng nhân dân chỉ họp 2 lần, nếu theo đúng quy trình, dự kiến sẽ mất 1 năm mới hoàn tất việc cấp phép. Điều này sẽ dẫn tới việc chậm trễ tiến độ trong khi dự án phải hoàn thành vào quý 3/2024.
Trong chỉ đạo ngày 17/9/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương và cơ quan liên quan khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục cấp phép, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thương, bảo đảm cung cấp đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến về tình hình thực hiện Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đề nghị các các địa phương Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án theo Nghị quyết số 60/NQ-CP và Nghị quyết số 133/NQ-CP của Chính phủ; các nhà thầu, nhà đầu tư thi công phải chủ động phối hợp với địa phương thực hiện các thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản nêu trên. Tiến độ xử lý các vướng mắc về nguồn vật liệu yêu cầu hoàn thành trước ngày 15/01/2022. Đặc biệt, trách nhiệm của các địa phương nếu để các dự án thiếu mỏ vật liệu cũng phải được làm rõ để làm căn cứ kiểm điểm trong hội nghị giao ban tiếp theo.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, để dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 hoàn thành đúng tiến độ nhất thiết cần sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của về vật liệu xây dựng cho dự án này.
Được biết, trước đó để giải quyết vấn đề thiếu vật liệu cho dự án trọng điểm quốc gia, Chính phủ ban hành liên tục 2 nghị quyết; trong đó: Nghị quyết số 60/NQ-CP chỉ quy định cho phép các mỏ vật liệu thông thường đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được cấp phép nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác.
Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 điều chỉnh nội dung Nghị quyết số 60/NQ-CP, cho phép địa phương được điều chỉnh nâng công suất khai thác theo nhu cầu các dự án trong phạm vi trữ lượng đã được cấp phép. Đồng thời, Nghị quyết số 133/NQ-CP có thêm điểm mới là Chính phủ yêu cầu các địa phương phải thực hiện các giải pháp triển khai đồng thời các thủ tục hành chính trong quá trình cấp phép khai thác mỏ vật liệu, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!