Các giải pháp kiềm chế lạm phát
Lạm phát có lẽ là từ khoá nóng nhất với giới tài chính trong cả năm nay và mối quan tâm hàng đầu của hầu hết tất cả các nền kinh tế trên thế giới, ngay cả ở thời điểm này khi xăng dầu đang có dấu hiệu hạ nhiệt.
Điểm đáng chú ý có thể thấy là giá xăng dầu trong nước không tăng mạnh như giá xăng dầu thế giới, nhưng khi giá xăng dầu thế giới giảm thì giá xăng dầu trong nước cũng giảm mạnh. Điều này phần nào cho thấy những giải pháp của Chính phủ kiềm chế đà tăng giá của mặt hàng này nói riêng và cả một số mặt hàng thiết yếu khác thời gian qua đã cho thấy hiệu quả.
Ngày 21/7, giá xăng lại tiếp tục giảm. Mỗi lít xăng giảm 2.700 - 3.600 đồng, các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm 1.100 - 2.380 đồng/lít. Như vậy, mặt bằng giá xăng trong nước đã về ngang với hồi tháng 2 năm nay.
Bên cạnh quỹ bình ổn giá được sử dụng linh hoạt và hiệu quả thời gian qua, thuế bảo vệ môi trường cũng đã được hạ 2 lần vào ngày 1/4 và 11/7, giảm 'kịch khung' xuống mức giá sàn trong biểu thuế suất. Thêm vào đó, Chính phủ cũng đang tính toán việc giảm thêm các loại thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT để trình Quốc hội.
Còn đối với dịch vụ giáo dục, chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều trong rổ hàng hoá tính CPI, cũng đã được kiểm soát, giúp CPI 6 tháng giảm 0,19 điểm %, nhờ các địa phương đã miễn, giảm học phí để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch. Cùng với đó, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề xuất chưa tăng học phí giáo dục mầm non và phổ thông năm học 2022 - 2023 như lộ trình trước đó.
Nhiều giải pháp đã được thực hiện nhằm kiềm chế lạm phát. Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư.
Với giá y tế, năm ngoái đáng ra đã phải hoàn thành việc tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, khấu hao tài sản cố định và các chi phí khác theo pháp luật về giá. Tuy nhiên, cũng để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch, nên việc này cũng đã được hoãn lại.
Mới đây nhất, EVN chủ động đề xuất chưa tăng giá điện dù trong bối cảnh chi phí đội lên tính bằng lần. Như vậy, giá điện vẫn đã duy trì ổn định không tăng trong gần 4 năm qua.
Đáng chú ý, với giá nhà cho thuê, cũng là cấu phần trong rổ CPI, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 8 trong năm nay nhằm hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Khiến giá thuê nhà bình quân 6 tháng tiếp tục giảm mạnh 13,75% và tác động trực tiếp làm giảm CPI 0,07 điểm %.
Tổng hoà tất cả tất cả những nhân tố trên đã Việt Nam nằm trong top các quốc gia có mức lạm phát thấp nhất thế giới ở thời điểm này.
Lạm phát có dấu hiệu tạo đỉnh
Bối cảnh lạm phát thế giới cũng đang đồng thuận. Dự báo giá dầu WTI của cơ quan thông tin năng lượng Mỹ được đánh giá là thường khá chính xác. Theo dự báo mới nhất của cơ quan này, mức giá dầu WTI đã đạt đỉnh và sẽ bắt đầu giảm dần. Nhiều loại hàng hoá khác cũng đang cho thấy diễn biến tương tự.
Giá lương thực đã giảm 39% từ đỉnh gần nhất, giá thép và kim loại giảm 38%, dầu thô 28%, hay khí gas tự nhiên 36%. Dự báo lạm phát của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy CPI sẽ hạ nhiệt từ quý III và quay trở về mức ổn định từ đầu năm sau.
"Giá dầu đã giảm giao dịch xung quanh 95 USD/ thùng so với 120 USD /thùng trước đó. Giá phân bón giảm 47% so với đỉnh. Giá lượng thực, gạo giảm 13 - 15% so với đỉnh. Đâu đó các yếu tố cấu thành lạm phát đã qua đỉnh rồi", bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, CTCP Chứng khoán Nhất Việt nhận định.
Lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt sẽ giúp FED dễ dàng hơn trong việc "hạ cánh mềm"với chính sách tiền tệ, từ đó giảm thiểu khả năng suy thoái kinh tế Mỹ và tác động lan toả tới các nền kinh tế khác, bao gồm cả Việt Nam.
Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay: "Trong kinh tế có đánh đổi. Mỹ tăng trưởng cao lạm phát cao. Cho nên chúng ta năm nay tăng 6 - 6,5% mà lạm phát hơn 4% cũng là kỳ tích. Bởi nếu chúng ta dùng biện pháp thắt chặt để lạm phát dưới 4% sẽ cản trở phát triển, gói hỗ trợ cũng sẽ kém hiệu quả".
Từ đó, đa phần ý kiến cho rằng, thành công trong kiểm soát lạm phát sẽ giúp lãi suất cho vay duy trì ổn định để tiếp tục hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế tại thời điểm này.
Tới thời điểm này, có thể nói lạm phát Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát. Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư.
Mới đây nhất, một số tổ chức quốc tế cũng đã đặc biệt chú ý tới nỗ lực kiểm soát lạm phát của Việt Nam.
Tờ Economist đã viết: Tỷ lệ lạm phát thấp của Việt Nam, xuất phát từ thực tế là Việt Nam sản xuất quá đủ lương thực để nuôi sống người dân. Trong nhiều báo cáo mới nhất của các tổ chức quốc tế, dự báo lạm phát vẫn sẽ trong tầm kiểm soát 4% như mục tiêu Việt Nam đặt ra.
Tới thời điểm này, có thể nói lạm phát Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, áp lực từ giờ tới cuối năm là không hề nhỏ, khi những tháng cuối cuối năm, một số hàng hóa dự báo sẽ chịu nhiều áp lực tăng giá hơn. Đặc biệt là khi kinh tế phục hồi cũng sẽ đẩy tổng cầu gia tăng, tác động không nhỏ tới lạm phát.
Như vậy, việc chủ động các nguồn cung hàng hoá và tiếp tục duy trì sự phối hợp mềm mại, hài hoà giữa chính sách tài khoá và tiền tệ sẽ là những yếu tố quyết định trong thành công kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!