Khoảng 30 ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động trong 2 tháng qua, theo sau những chỉ đạo quyết liệt gần đây của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Nếu hồi đầu năm, khách hàng có thể gửi tiết kiệm với mức lãi 10% hoặc hơn, thì hiện nay, gần như không có ngân hàng nào niêm yết quá 7%/năm.
Đối với nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng chỉ dao động quanh 5,8%. Còn với các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất tiền gửi phổ biến từ 6 - 6,9%/năm. Cá biệt, một vài ngân hàng có cộng thêm ưu đãi cho những người gửi online.
Đây là tiền đề quan trọng để các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, đưa ra các gói cho vay với lãi suất thấp hơn. Bởi đến cuối tháng 7, tín dụng vẫn tăng chậm, khoảng 4,56%, chưa bằng một nửa so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2022. Giảm thêm lãi suất sẽ tạo động lực cho tiêu dùng và đầu tư nhiều hơn.
Đến cuối tháng 7, tín dụng vẫn tăng chậm, khoảng 4,56%, chưa bằng một nửa so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2022. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Hoạt động của doanh nghiệp đã tăng trưởng trở lại, một phần nhờ hỗ trợ từ vốn vay. Như Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa đã được giảm 2% từ ngân sách nhà nước, cộng thêm 1,5% từ ngân hàng đã giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Điều này đã giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất.
Nhờ tiết giảm chi phí, đổi mới công nghệ và nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng mới, doanh nghiệp đã duy trì lượng xuất khẩu ổn định từ 1.200 - 1.500 tấn ngao mỗi tháng. Để được hỗ trợ vốn kịp thời, theo doanh nghiệp, điều quan trọng là cần trao đổi thẳng thắn, minh bạch về tình hình kinh doanh cùng ngân hàng.
"Ngân hàng hiểu mình, đồng hành với mình giúp doanh nghiệp phát triển nhanh nhất có thể", ông Lê Quý Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa, cho biết.
Mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn có thể tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn hơn. Tuy nhiên theo chuyên gia, dư địa giảm thêm lãi suất là có, nhưng không nhiều vì áp lực tỷ giá dần hiện hữu, vì vậy cần phối hợp với các chính sách khác để hỗ trợ doanh nghiệp từ nhiều phía.
"Đối với các khoản nợ xấu, có chính sách giảm lãi suất để khách hàng có nguồn trả nợ, giúp họ bớt khó khăn và có nguồn thu trả nợ ngân hàng", bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho hay.
"Ngoài giảm lãi suất để kích cầu tín dụng, cần hỗ trợ doanh nghiệp để tìm đầu ra tốt hơn. Việc này Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều trong thời gian qua, đặc biệt là thúc đẩy xuất khẩu. Cũng phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, vì khi giải ngân nhanh vốn đầu tư công sẽ gia tăng tính lan tỏa, giải tỏa nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp ", ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, nhận định.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất, nên đẩy mạnh các chương trình cho vay tiêu dùng cho người lao động. Bởi chính việc kích cầu tiêu dùng, người dân tăng chi tiêu sẽ giúp doanh nghiệp bán được hàng, từ đó có nhu cầu vay vốn thêm cho sản xuất kinh doanh.
Mục tiêu đặt ra trong năm nay là tín dụng tăng khoảng 14 - 15%. Trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng phù hợp với diễn biến thị trường, tập trung vào các động lực tăng trưởng: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu...; đồng thời, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, để tạo hiệu quả phục hồi kinh tế tốt hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!