Giảm rủi ro cho doanh nghiệp trước biến động tỷ giá bằng cách nào?

Trịnh Huyền-Chủ nhật, ngày 24/07/2022 10:13 GMT+7

Hình minh họa.

VTV.vn - Việc các đồng tiền như USD, Euro hay Yen biến động chắc chắn đều ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Doanh nghiệp có hai dạng thanh toán chính là thanh toán bằng đồng USD hoặc đồng Euro. Vì vậy, một trong hai đồng tiền này giảm giá thì xuất khẩu sẽ bất lợi, nhưng ở chiều ngược lại thì nhập khẩu sẽ có lợi khi mua được hàng hóa với mức giá rẻ hơn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nên đa dạng hoá các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc sử dụng chỉ đồng USD hay đồng Euro.

Các chuyên gia phân tích nhận định, việc ứng phó với biến động tỷ giá không phải chuyện mới. Tuy nhiên với lần biến động này, khi sau 2 thập kỷ, tỷ giá Euro bằng với UDD chắc chắn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ có cách ứng biến làm sao để có lợi nhất hoặc giảm thiểu rủi ro nhất.

Đại diện của một nhà máy cho biết, các phương án dự trữ ngoại tệ, hay mua dự trữ nguyên vật liệu... cho thời gian dài sử dụng không phải là phương án tốt do biến động tỷ giá khó dự báo. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều rủi ro về chi phí lưu kho lâu dài, và cũng không có lợi về dòng tiền luân chuyển trong kinh doanh. Một số doanh nghiệp lựa chọn giải pháp thay đổi nguồn cung ứng nguyên vật liệu sang các thị trường có giá rẻ hơn, thậm chí là dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất, để tận dụng lợi thế tỷ giá.

Ông Ogami Noriyoshi, Phó Tổng giám đốc Daikin Việt Nam, cho biết: "Hiện nay đồng Yen đang giảm giá, chúng tôi đang thực hiện các biện pháp như chuyển sang sản xuất tại Nhật bản, các linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc để tránh việc giảm lợi nhuận. Nhà máy Việt Nam cũng đang nỗ lực tăng tỷ lệ linh kiện mua tại Việt Nam nhằm giảm tác động của tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, chúng tôi đã bắt đầu xuất khẩu sản phẩm sang Đài Loan (Trung Quốc) và tới đây sẽ xuất khẩu sang các nước khác".

Giảm rủi ro cho doanh nghiệp trước biến động tỷ giá bằng cách nào? - Ảnh 1.

Để hạn chế rủi ro, các doanh nghiệp cũng có thể tìm đến các dịch vụ bảo hiểm tỷ giá của các ngân hàng. Chẳng hạn, doanh nghiệp xuất khẩu muốn cố định tỷ giá để xác định doanh thu thì dùng công cụ "bán kỳ hạn" cho ngân hàng còn doanh nghiệp nhập khẩu thì dùng công cụ "mua kỳ hạn". Điều này có nghĩa, nếu doanh nghiệp mua tỷ giá 23.400 đồng trong tháng này, thì dù sau đó, tỷ giá có tăng hay giảm cũng không ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

Bà Lương Thị Hoài, Trưởng phòng Bán sản phẩm Khối Thị trường Tài chính, Ngân hàng VP Bank, cho biết: "Ví dụ một doanh nghiệp có một lô hàng nhập khẩu, họ được trả chậm một năm, một năm sau họ mới phải dùng tiền đồng để mua USD chẳng hạn. Tuy nhiên thời điểm này giá USD đang là 23.400 đồng, nếu họ ngay khi phát sinh lô hàng nhập khẩu dùng một hợp đồng bảo hiểm rủi ro tỷ giá của VP Bank, chúng tôi đang chào chỉ 1-1,5% cho biến động. Trong trường hợp tỷ giá biến động hơn thế thì mua chi phí bảo hiểm sẽ tốt hơn rất là nhiều".

Bà Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng tư vấn chuyên trách Tài chính tiền tệ Quốc gia, nhận định: "Thực hiện hợp đồng quyền chọn hay tương lai sẽ mất phí, người ta tính toán giữa mất phí của quyền chọn với mức mà người ta không ký, khi tỷ giá biến động, cái lợi, cái được là bao nhiêu thì người ta sẽ cân nhắc".

Lợi ích mà các doanh nghiệp nhận được khi tham gia các sản phẩm phòng ngừa rủi ro là giúp doanh nghiệp kiểm soát, cố định được chi phí và doanh thu, từ đó hoạch định được chính sách giá và bán hàng, quản trị tài chính.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước