Đồng Việt Nam mất giá ít hơn so với nhiều ngoại tệ
"Biến động tỷ giá" - cụm từ được khá nhiều người quan tâm trong những ngày gần đây, khi nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới chịu sức ép giảm giá so với USD. Nếu so với 6 đồng tiền chủ chốt, chỉ số USD đã tăng giá đến 10% so với đầu năm, qua đó đẩy nhiều đồng tiền khác giảm sâu.
Giảm mạnh nhất là đồng Yên Nhật Bản, khi rớt tới 20%, tiếp theo là EUR giảm 12% - rơi về mức ngang giá so với USD. Nhiều đồng tiền khác như Bảng Anh, Bath Thái Lan, Won Hàn Quốc cũng đồng loạt rơi hơn 10%. Tuy nhiên, tiền đồng của Việt Nam chỉ mất giá khoảng 2,6% so với USD.
Nếu xét trong rổ 8 đồng tiền tính tỷ giá trung tâm, bao gồm USD, Bath Thái Lan, Euro, Nhân dân tệ, Đôla Singapore, Yen Nhật, đồng Won Hàn Quốc và đồng tiền của Đài Loan (Trung Quốc) thì đồng Việt Nam còn lên giá so với tất cả 7 ngoại tệ còn lại.
Đồng Việt Nam mất giá ít hơn so với nhiều đồng ngoại tệ
Doanh nghiệp "lựa cơm gắp mắm" thời biến động tỷ giá
Việt Nam với một nền kinh tế có độ mở lớn, giao dịch với nhiều thị trường, thì các doanh nghiệp sẽ phải "lựa cơm gắp mắm", tức là tùy thuộc vào từng thị trường, và đặc thù kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phải có phương án linh hoạt, phù hợp, để hạn chế tối đa những rủi ro từ tỷ giá tới kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Daikin - tập đoàn sản xuất và kinh doanh điện lạnh tại nhiều quốc gia, đã từng bị giảm lợi nhuận vì biến động tỷ giá. Kinh nghiệm rút ra là tập đoàn này đã chuyển nguồn thu mua nguyên liệu, thậm chí, điều chuyển hoạt động gia công sang các thị trường có đồng nội tệ rẻ.
"Hiện nay đồng yên đang giảm giá, chúng tôi đang thực hiện các biện pháp như chuyển sang sản xuất tại Nhật bản các linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc để tránh việc giảm lợi nhuận. Chúng tôi thực hiện các biện pháp như thay đổi địa điểm nhập khẩu các linh kiện hoặc thay đổi nơi sản xuất để cân đối chi phí theo tình hình thực tế", ông Ogami Noriyoshi - Phó tổng giám đốc Daikin Việt Nam cho biết.
Còn với ngành lữ hành du lịch đang phục hồi trở lại sau dịch, trước đây Lux Group chấp nhận cho khách nước ngoài thanh toán bằng cả đồng Euro và USD thì nay do Euro rớt mạnh đã khiến một số đơn đặt tour bị thua lỗ khi chốt giá cho khách hàng bằng tiền Euro. Do đó, doanh nghiệp tính toán sẽ chuyển thanh toán bằng ngoại tệ mạnh để giảm rủi ro.
"Tôi nghĩ các công ty du lịch, Hiệp hội du lịch, Hiệp hội xuất nhập khẩu phải thống nhất chọn USD là đơn vị tiền tệ thanh toán chuẩn cho thời gian tới", ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group cho biết.
Các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá là biện pháp doanh nghiệp có thể sử dụng trong bối cảnh biến động tỷ giá hiện nay
Bên cạnh việc cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ bảo hiểm, phòng ngừa rủi ro tỷ giá của các ngân hàng thương mại khi thanh toán đơn hàng.
"Các công cụ phòng chống rủi ro tỷ giá như công cụ quyền chọn - thường được gọi là bảo hiểm tỷ giá. Hay là công cụ hợp đồng tương lai, thanh toán ở tương lai hay trong kỳ hạn với tỷ giá đã được ấn định ở thời điểm ký. Các doanh nghiệp Việt Nam ở một chừng mực nhất định sử dụng các công ngừa rủi ro tỷ giá vẫn còn mới", bà Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho biết.
Ngoài ra, khi xây dựng kế hoạch kinh doanh, doanh nghiệp cần để dự phòng cho tỷ giá, để khi xảy ra biến động, sẽ không tác động mạnh tới giá bán sản phẩm đầu ra.
Đảm bảo nguồn cung ngoại tệ
Việc đồng Việt Nam ổn định hơn so với các ngoại tệ khác cũng được đánh giá là 1 trong những điểm tích cực của điều hành chính sách tỷ giá từ Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan này cho biết định hướng điều hành tỷ giá linh hoạt, nhưng sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ khi cần thiết để ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Cơ sở để Ngân hàng Nhà nước có thể bổ sung nguồn cung chính là lượng dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, gần 110 tỷ USD hiện nay. Dự trữ ngoại hối vốn được xem là bộ đệm quan trọng, khẳng định tiềm lực tài chính, giúp các quốc gia có thể chủ động ổn định thị trường.
Việc Ngân hàng Nhà nước gần đây chuyển sang mua bán ngoại tệ giao ngay, thay vì mua bán theo kỳ hạn, đã giúp điều tiết hợp lý cung cầu trên thị trường.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ khi cần thiết
Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng đồng bộ, linh hoạt công cụ từ dữ trữ ngoại hối và hút tiền đồng qua thị trường mở để tác động lên thanh khoản tiền đồng trong hệ thống, đã góp phần kiềm chế áp lực lên tỷ giá thời gian qua.
"Cơ bản chúng ta kiểm soát tỷ giá tương đối tốt, cung cầu ngoại tệ tương đối ổn nên đồng Việt Nam chỉ mất giá so với USD khoảng 2%, trong khi ngoại tệ nhiều nước mất 3 – 14%", ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho biết.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc ổn định giá trị đồng Việt Nam có tác động rất quan trọng là ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế, đặc biệt là với các doanh nghiệp đang đi vay nợ trên thị trường quốc tế, tỷ giá ổn định giúp hoạt động tốt hơn.
Mặc dù áp lực với tỷ giá là không nhỏ, nhưng vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài liên tục đổ vào hơn 14 tỷ USD trong nửa đầu năm, từ hoạt động xuất siêu hay lượng dự trữ ngoại hối kỷ lục. Nguồn cung này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước có dư địa để can thiệp khi cần thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!