Giảm thuế hỗ trợ DN thời COVID-19: Tránh cào bằng, nguy cơ bị trục lợi

Thùy An-Thứ năm, ngày 11/06/2020 15:23 GMT+7

VTV.vn - Theo các đại biểu Quốc hội, trong điều kiện nguồn lực hạn chế, cần hỗ trợ những đối tượng bị tổn thương nhất bởi đại dịch COVID-19.

Hôm nay (11/6), Chính phủ trình Quốc hội chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, hỗ trợ các đối tượng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có hoạt động sản xuất kinh doanh, thu nhập (trừ doanh nghiệp được lập theo quy định pháp luật nước ngoài).

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng, lao động bình quân không quá 100 người sẽ được hưởng chính sách này. Mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với các đối tượng trên là 30% trong năm 2020.

Về điều khoản thi hành, theo dự thảo, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.

Tránh cào bằng

Đề cập đến điều kiện được hưởng ưu đãi, theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, hiện nghị quyết chưa phân biệt rõ các lĩnh vực các doanh nghiệp đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

"Trong dịch COVID-19 vẫn có số lĩnh vực tăng trưởng như: tài chính ngân hàng, thông tin truyền thông, y tế… Chúng ta cần phân biết giữa các doanh nghiệp ở những lĩnh vực bị sụt giảm doanh thu, cũng như các doanh nghiệp ở các lĩnh vực vẫn có tăng trưởng", bà Mai cho biết.

Giảm thuế hỗ trợ DN thời COVID-19: Tránh cào bằng, nguy cơ bị trục lợi - Ảnh 1.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai

Theo bà Mai, trong điều kiện nguồn lực có hạn, cần hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải, cào bằng. 

Đáng chú ý, đại biểu đoàn Hà Nội cũng kiến nghị không nên xem việc miễn giảm thuế đây là chính sách dài hạn, mà chỉ nên hỗ trợ trong 1 thời điểm nhất định, để đảm bảo tính trung lập về thuế.

Cẩn thận bị trục lợi

Cũng đề cập đến nội dung giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cảnh báo nguy cơ trục lợi chính sách.

"Không phải doanh nghiệp nào có doanh thu dưới 50 tỷ cũng gặp khó. Có doanh nghiệp doanh thu 50 tỷ đồng nhưng lợi nhuận đến 15 – 20 tỷ đồng", ông Hiểu cho biết.

Cùng quan điểm với đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, ông Hiểu cho biết không phải doanh nghiệp nào cũng khó khăn vì COVID-19, tiêu biểu như doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang.

Giảm thuế hỗ trợ DN thời COVID-19: Tránh cào bằng, nguy cơ bị trục lợi - Ảnh 2.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cảnh báo nguy cơ trục lợi chính sách

"Từ những điều này chúng ta cần có quan điểm đúng về vấn đề hỗ trợ", ông Hiểu nhấn mạnh.

Đại biểu đoàn Hà Nội cảnh bảo nguy cơ việc các doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi thuế này.

"Lẽ ra doanh nghiệp có thể thu cao hơn, nhưng người ta dừng lại ở mức doanh thu dưới 50 tỷ đồng hoặc kê khai gian dối. Lẽ ra họ phải đóng bảo hiểm cho đủ 100 người hoặc hơn 100 công nhân, nhưng họ có thể đóng bảo hiểm dưới con số đó. Những điều này là hoàn toàn có khả năng", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 DN đang hoạt động. Trong cơ cấu DN của Việt Nam, DN có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%, trong đó, DN có quy mô nhỏ chiếm hơn 93% và DN có quy mô vừa chiếm gần 4%. Như vậy, DN có quy mô nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số DN tại Việt Nam và các DN này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, cũng như ổn định xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước