Khi đầu tư, mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, một trong những tiêu chí nhà đầu tư nhìn vào là doanh thu, là lợi nhuận được các doanh nghiệp niêm yết công bố hàng quý, nửa năm hoặc một năm. Dựa vào đó, nếu doanh nghiệp báo lãi, nhà đầu tư mua đón đầu chờ giá lên, hoặc sẽ bán đi nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, thực tế là dù có những báo cáo tài chính đã được kiểm toán, nhưng chỉ một thời gian sau doanh nghiệp lại đột ngột thay đổi từ lãi sang lỗ.
Nhà đầu tư thiệt hại vì thông tin sai
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD1 đang lãi hơn 1 tỷ đồng chuyển thành lỗ gần 4 tỷ đồng. Thậm chí, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đang lãi vài trăm tỷ đồng bỗng chốc chuyển thành lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp, các doanh nghiệp này có thể sẽ không còn được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
"Thời điểm đáng ra đúng phải công bố doanh nghiệp lỗ thì họ lại xử lý một báo cáo có lãi, nhà đầu tư đầu tư, nhà đầu tư mua bán cổ phần và năm giữ dựa trên nền tảng thông tin công bố là không chính xác. Trong thời gian vừa qua, khi công ty điều chỉnh hồi tố báo cáo cũng gây ra tình trạng nhiều nhà đầu tư phản đối, bất mãn và giá cổ phiếu giảm sàn nhiều phiên", ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết, cho biết.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Với nhà đầu tư, báo cáo tài chính là cơ sở để ra quyết định. Họ cũng nhìn vào đánh giá của đơn vị kiểm toán để xác thực tình trạng của doanh nghiệp.
"Những người lập báo cáo tài chính phải chịu trách nhiệm về sai sót và cách thức xử lý đối với báo cáo tài chính, kể cả việc đưa ra điều chỉnh hồi tố cũng là trách nhiệm hoàn toàn trước hết thuộc về doanh nghiệp. Người kiểm toán phải chịu trách nhiệm đối với ký báo cáo của những năm trước. Rõ ràng họ phải có một phần trách nhiệm trong việc báo cáo tài chính cách năm trước đã được công bố với ý kiến chấp nhận toàn phần", bà Đỗ Thị Ngọc Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty kiểm toán AASC, đánh giá.
Đôi khi sự sai sót còn nằm ở chủ đích giấu lãi, làm giảm lợi nhuận vì mục đích nào đó. Theo các đơn vị kiểm toán, nếu xác thực cho thấy các vi phạm trọng yếu thì đây là hành vi gian lận của doanh nghiệp.
Kiểm toán viên khi tham gia cho ý kiến, có thể có các ý kiến chấp nhận toàn phần, tức là đồng ý với báo cáo tài chính của doanh nghiệp, có những sai sót không trọng yếu; ngoại trừ: có những sai sót trọng yếu, ảnh hưởng đến 5 - 10% lợi nhuận doanh nghiệp; trái ngược: những sai sót trọng yếu lan tỏa đến các khoản mục khác, ảnh hưởng đến báo cáo tài chính; từ chối: tức là kiểm toán viên không thể thu thập được số liệu, thông tin... dẫn đến không thể xác thực đánh giá được tính chính xác của báo cáo tài chính.
Ngay trong chiều 4/4, thông tin mới nhất là Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành mã TTF đã báo lỗ gần 9 tỷ đồng trong năm 2021, dù trước đó báo cáo tự lập là lãi ròng gần 9 tỷ đồng.
Các nước đấu tranh với gian lận báo cáo tài chính
Gian lận, sai sót trong báo cáo tài chính đã và đang diễn ra phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Sai phạm này đã được phát hiện ngay cả ở những tập đoàn lớn và các công ty kiểm toán uy tín.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có khung hình phạt nặng đối với hành vi làm sai lệch báo cáo tài chính, kể cả phạt tù với cá nhân, hay phạt khoản tiền khổng lồ đối với doanh nghiệp.
Theo kết quả kiểm toán của Hãng kiểm toán Earnst & Young đối với báo cáo tài chính của Tập đoàn bán lẻ cà phê Lucking Coffee - được mệnh danh là "Starbucks Trung Quốc" vào tháng 4/2020, Giám đốc Điều hành của hãng đã khai khống hơn 310 triệu USD doanh thu trong năm 2019. Ngay sau đó, giá cổ phiếu của Lucking đã giảm tới 85%. Những cá nhân liên quan cũng bị bắt giữ.
Chuỗi cà phê này tiếp đó còn nhận án phạt 180 triệu USD từ Ủy ban Chứng khoán Mỹ, do hành vi lừa gạt các nhà đầu tư về năng lực tài chính.
Những năm gần đây, Trung Quốc tập trung điều tra phát hiện giả mạo dữ liệu tài chính. Ngoài Lucking Coffee còn phải kể đến hàng loạt doanh nghiệp khác bị phát hiện và xử lý như: Tập đoàn Giáo dục TAL, Sino Forest, China Media Express và Puda Coal.
Hội đồng báo cáo tài chính Anh đã phạt Hãng kiểm toán Grant Thornton lên tới 2,3 triệu Bảng Anh (hơn 3,14 triệu USD) với cáo buộc "thiếu năng lực nghiêm trọng" liên quan bê bối kế toán của chuỗi cafe Patisserie Valerie vào năm 2021.
Hội đồng báo cáo tài chính Anh là cơ quan trực thuộc Chính phủ, với nhiệm vụ đảm bảo minh bạch và liêm chính trong kinh doanh; bao gồm giám sát các hoạt động kiểm toán.
Malaysia đã thành lập Cơ quan Giám sát kiểm toán - đơn vị trực thuộc Ủy ban Chứng khoán Malaysia từ năm 2010, nhằm thúc đẩy và phát triển một khuôn khổ giám sát kiểm toán hiệu quả; tăng cường niềm tin vào chất lượng và độ tin cậy của các báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Những ngày qua, Ủy Ban kiểm tra Trung ương đã kết luận về việc một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.
Tới đây, Bộ Tài chính và Ủy Ban Chứng khoán sẽ đưa ra nhiều giải pháp để xử lý và khắc phục tình trạng này. Để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển minh bạch, tin cậy và là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, việc bảo vệ nhà đầu tư chân chính và xử lý các cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính là việc làm hết sức cần thiết.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã có ý kiến toàn phần từ kiểm toán, nhưng vẫn có tình trạng chuyển từ lãi sang lỗ chỉ sau vài tháng, thậm chí sau vài năm. Tình trạng này ở Việt Nam như thế nào? Làm thế nào để kiểm soát, xử lý nghiêm các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán cung cấp các báo cáo tài chính không đúng?
Những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay (4/4) với sự tham gia của ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính. Mời quý vị theo dõi video trên!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!