Gian lận C/O, "đội lốt" hàng Việt: Không thể lơ là!

VTV Digital-Thứ tư, ngày 08/07/2020 06:14 GMT+7

VTV.vn - Theo số liệu thống kế từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay qua điều tra xác minh 76 vụ việc, thì có đến 1/3 vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu.

Việc giả xuất xứ hàng hóa Việt đã và đang diễn ra dưới nhiều hình thức, trong đó đáng chú ý là có sự tiếp tay của các doanh nghiệp giám định thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O.

Mới đây, Tổng cục Hải quan cho biết, Công ty Cổ phần Giám định Đại Minh Việt không có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng đã lợi dụng danh nghĩa là hội viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để thực hiện cấp Giấy chứng nhận này cho nhiều doanh nghiệp. Đây được xem là một thủ đoạn gian lận mới, lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam.

Gian lận C/O, đội lốt hàng Việt: Không thể lơ là! - Ảnh 1.

Công ty Cổ phần Giám định Đại Minh Việt không có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Ảnh minh họa)

Theo thông tin ban đầu từ Tổng Cục Hải quan, Công ty Cổ phần Giám định Đại Minh Việt có trụ sở chính tại Quận 9, TP.HCM. Đơn vị này thông qua các công ty môi giới hoặc chính các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu, đã tự thiết kế mẫu C/O. Sau đó điền thông tin về các lô hàng xuất khẩu để phát hành giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O. Công ty này thu từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng/1 C/O phát hành. Tổng số tiền thu lợi bất chính bước đầu xác định khoảng trên 300 triệu đồng.

Cụ thể từ đầu năm 2018 đến nay, công ty này đã cấp C/O cho khoảng 33 doanh nghiệp. Hàng hóa có nhiều chủng loại khác nhau như: thép, nông sản, thủy sản, đồ gỗ,… Sản lượng hàng hóa được công ty xuất khẩu cho các đối tác ở 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, có trị giá trên 600 tỷ đồng.

Gian lận C/O, đội lốt hàng Việt: Không thể lơ là! - Ảnh 2.

Không có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng Công ty Cổ phần Giám định Đại Minh Việt đã lợi dụng danh nghĩa là hội viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để thực hiện cấp Giấy chứng nhận này cho nhiều doanh nghiệp để trục lợi (Ảnh minh họa)

Theo thông tin điều tra của Cục Điều tra Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Công ty Cổ phần Giám định Đại Minh Việt không được phép cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/0.

Đáng chú ý, 33 doanh nghiệp mà Đại Minh Việt cấp C/O đều là những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, linh kiện từ ngước ngoài về gia công, lắp ráp, không đủ tiêu chuẩn "xuất xứ Việt Nam".

Gian lận C/O, đội lốt hàng Việt: Không thể lơ là! - Ảnh 3.

Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện 1 công ty giám định làm giả giấy chứng nhận xuất xứ C/0 (Ảnh minh họa)

Đại diện Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện 1 công ty giám định làm giả giấy chứng nhận xuất xứ C/0. Năm 2015, VCCI cũng phát hiện ra 1 trường hợp tương tự.

"Năm 2015 đã phát hiện 1 trường hợp đứng ra cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho lô hàng xuất khẩu của 1 công ty. Đây ko phải lần đầu tiên như tôi vừa phân tích, mà là sự vu từng xảy ra rồi", Bà Trần Thị Thu Hương- Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) cho biết.

Hệ lụy là rất lớn

Các chuyên gia cho rằng việc làm giấy chứng nhận xuất xử giả rất dễ dẫn đến việc các hàng hóa xuất khẩu bị gắn mác "giả xuất xứ".

Hệ lụy là rất lớn, khi chỉ cần 1 sản phẩm bị dính "vết đen" thì sẽ khiến cả ngành sản xuất của Việt Nam bị liên lụy, không tránh khỏi việc các nước nhập khẩu sẽ khởi xướng các cuộc điều tra với hàng hóa của Việt Nam.

Gian lận C/O, đội lốt hàng Việt: Không thể lơ là! - Ảnh 4.

Hệ quả cho việc "đội lốt" hàng Việt là rất lớn (Ảnh minh họa)

Có nhiều cách thức khác nhau để các doanh nghiệp "mượn" xuất xứ Việt Nam. Ví dụ như chuyển các bộ phận qua Việt Nam, gia công lắp ráp rất ít rồi xuất đi. Hay như gần đây, nhiều chuyên gia cảnh báo tình trạng thâu tóm doanh nghiệp để lấy xuất xứ hàng hóa khi tỉ lệ vốn đăng ký thông qua hình thức mua bán cổ phần liên tục gia tăng thời gian qua.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia hình thức nào đi chăng nữa, thì việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) chính là "cửa chặn" cuối cùng để hàng hóa "mượn" xuất xứ Việt Nam ra khỏi lãnh thổ. Do đó, việc xem xét lại quy trình cấp C/O, tăng mạnh biện pháp xử lý là điều cần thiết lúc này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước