Nhiều năm nay, vấn nạn hàng lậu, hàng giả không chỉ gây lũng đoạn nền kinh tế mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Để triệt tiêu vấn nạn này, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành và các cơ quan chức năng vào cuộc rất quyết liệt. Thời gian qua, dù có những chuyển biến tích cực song mặt trận chống hàng lậu, hàng giả vẫn đầy cam go.
Cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị là điểm nóng của tình trạng hàng lậu tại miền Trung. Hơn 10km sông Sê Pôn, tuyến biên giới chung giữa Việt Nam và Lào cũng là vị trí lý tưởng để các đối tượng buôn lậu từ Lào về Việt Nam. Tuy nhiên, không phải lúc nào các lực lượng chức năng cũng có thể phát hiện và bắt giữ. Trung bình, mỗi ngày có hàng chục tấn hàng được vận chuyển qua biên giới dọc theo khúc sông này.
Những phát hiện của các lực lượng chức năng cũng là một phần rất nhỏ. Các chiến sĩ biên phòng nơi đây cho biết thủ đoạn vận chuyển hàng lậu là hết sức tinh vi và chính nhân dân vùng biên là những người bị lợi dụng. Hầu hết trong số họ đều có cuộc sống khó khăn. Vì vậy, khi lực lượng chức năng đối diện với hàng nhập lậu cũng chính là đối diện với sự nghèo khó của quần chúng nhân dân.
Vào thời điểm cuối năm và đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa nhập lậu qua biên giới có chiều hướng gia tăng, trong đó nổi cộm là các mặt hàng thiết yếu như rượu, bia, đường kính và bột ngọt. Các mặt hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc cũng được nhập lậu vào khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo.
Tại Quảng Trị, hàng nhập lậu sau khi đưa về khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo tiếp tục tìm cách vượt cổng B đưa về nội địa tiêu thụ với nhiều thủ đoạn cất giấu khá tinh vi trên các phương tiện vận chuyển, đồng thời hàng được xé lẻ và các chủ hàng thường thuê người dân gùi cõng theo các lối mòn hai bên cánh gà. Hàng hóa được vận chuyển theo những con đường này khiến các lực lượng chức năng khó kiểm soát.
Không nóng như địa bàn Quảng Trị, các tỉnh Hà Tỉnh, Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế cũng đang phải đối mặt tình trạng buôn bán hàng nhập lậu khu vực biên giới tiếp giáp với Lào.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, tính đến ngày 15/11/2015, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 187.000 vụ; xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu, thanh, kiểm tra, truy thu thuế nộp Ngân sách Nhà nước trên 11.535 tỷ đồng; khởi tố 1.123 vụ với 1.281 đối tượng. Tuy nhiên, một lượng lớn hàng hóa nhập lậu, hàng nhái, hàng giả vẫn tràn ngập thị trường nội địa ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của người tiêu dùng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!