Giới siêu giàu tại châu Á-Thái Bình Dương điều chỉnh chiến lược đầu tư

TTXVN-Thứ ba, ngày 13/09/2022 08:06 GMT+7

VTV.vn - Hiện có khoảng 68% nhà đầu tư tại châu Á-Thái Bình Dương đã thay đổi hoặc thiết kế lại danh mục đầu tư của mình cho phù hợp hơn với điều kiện thị trường hiện nay.

Khảo sát mới do Ngân hàng tư nhân Thụy Sỹ Lombard Odier công bố mới đây cho thấy các nhà đầu tư siêu giàu tại châu Á-Thái Bình Dương đang dần từ bỏ chiến lược đầu tư theo cách tiếp cận "chờ đợi" mà đã áp dụng khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.

Cuộc khảo sát được thực hiện với 450 nhà đầu tư giàu có trong khu vực, được xác định là những người có tài sản có thể đầu tư tối thiểu 1 triệu USD ở châu Á-Thái Bình Dương, đã tiết lộ mối quan tâm hàng đầu của mình, bao gồm cách quản lý sự biến động thị trường hiện nay và rủi ro địa chính trị, cũng như cách đa dạng hóa danh mục đầu tư tốt hơn để giảm thiểu những rủi ro này.

Lombard Odier cho biết tính cấp thiết của các chiến lược này đã tăng lên kể từ cuộc khảo sát vào năm 2020.

Hiện có khoảng 68% nhà đầu tư tại Singapore, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Indonesia, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Australia đã thay đổi hoặc thiết kế lại danh mục đầu tư của mình cho phù hợp hơn với điều kiện thị trường hiện nay.

Khoảng 77% những người được khảo sát cho biết lạm phát gia tăng và viễn cảnh suy thoái là những vấn đề đáng lo ngại nhất. Người dân Singapore lo lắng nhất về tình trạng này.

Giới siêu giàu tại châu Á-Thái Bình Dương điều chỉnh chiến lược đầu tư - Ảnh 1.

Nhà đầu tư "siêu giàu" Singapore đặc biệt quan tâm tới vấn đề bất ổn địa chính trị. Ảnh: Getty.

Khảo sát cho biết ngay cả Nhật Bản, nơi lạm phát đã gần bằng 0 trong hơn 30 năm, hiện đang phải đối mặt với sức ép lạm phát và 69% cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (HNWI) tại Nhật Bản lo ngại về điều đó. Chưa rõ Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có tiến hành tăng lãi suất hay không, song hơn 30% HNWI Nhật Bản tin rằng điều đó sẽ xảy ra trong 12 tháng tới.

Cũng theo khảo sát trên, các nhà đầu tư giàu có tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương thường ít lo ngại về việc lãi suất có thể tăng, chủ yếu là vì họ cho rằng các chính phủ sẽ thận trọng không tăng lãi suất đến mức có thể làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư Australia và Indonesia không chắc chắn như vậy. Phần lớn những người được khảo sát ở những quốc gia đó, khoảng 70%, nói rằng lãi suất cao hơn là một "nỗi lo lớn".

Ngoài vấn đề lãi suất, các nhà đầu tư ở Philippines cũng bày tỏ sự lo ngại về bất ổn địa chính trị, trong khi những nhà đầu tư ở Hong Kong và Singapore cũng cho rằng căng thẳng địa chính trị là một trong những rủi ro hàng đầu trong 12 tháng tới.

Những nhà đầu tư này quan ngại về tác động của rủi ro địa chính trị và xung đột về lợi nhuận trên các khoản đầu tư của họ, trong đó nhiều người dự đoán lợi nhuận thấp hơn trong tương lai. Họ cũng lo ngại có thể bỏ lỡ các cơ hội trong thời gian biến động này.

Nhiều nhà đầu tư Hong Kong và Nhật Bản đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các chiến lược đa dạng hóa hiện tại trong bối cảnh "giá cổ phiếu giảm, chênh lệch tín dụng mở rộng và lãi suất dài hạn cao" đã tác động tiêu cực đến danh mục đầu tư.

Trong nỗ lực giảm thiểu những rủi ro này, hai điều đã xảy ra đó là các nhà đầu tư siêu giàu ở châu Á-Thái Bình Dương đã trở nên thận trọng hơn và đang chuyển hướng nhiều hơn từ các loại tài sản truyền thống, như cổ phiếu và trái phiếu, sang đầu tư vào công ty riêng.

Nhiều người cũng đã bỏ tiền vào các tài sản "an toàn hơn" như tiền mặt và vàng. Một số cũng đang đầu tư vào tài sản tư nhân bao gồm vốn cổ phần tư nhân, nợ tư nhân, đầu tư bất động sản và cơ sở hạ tầng và các nhà đầu tư ở Singapore và Australia đang dẫn đầu về khoản phí này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước