Hình minh họa. Ảnh: Getty
Lớn lên ở vùng Darjeeling nằm ở phía Đông Ấn Độ, cô Neha Butt (32 tuổi) thường cùng bố đến các chợ đồ cũ để "săn lùng" mọi thứ, từ áo khoác đến mũ len và găng tay để giữ ấm cho gia đình khi nhiệt độ giảm mạnh.
Khi lớn lên, với nhiều kinh nghiệm, cô Butt đã mở cửa hàng bán đồ "second-hand" tại một quận sầm uất của thủ đô New Delhi. Cô chia sẻ, nhu cầu đối với đồ cũ ngày càng tăng khi những người trẻ có ý thức về môi trường bắt đầu "quay lưng" với thời trang nhanh (mô hình kinh doanh nhằm mục đích cập nhật các phong cách mới tại cửa hàng mỗi vài ba tuần một lần và là nơi người mua hàng mong đợi được thấy các sản phẩm mới với giá cả hợp lý).
Các cửa hàng "cũ người - mới ta" đang mọc lên như nấm tại các thành phố lớn của Ấn Độ cũng như trên mạng Internet. Cơ quan nghiên cứu thị trường tương lai của Ấn Độ ước tính thị trường quần áo cũ của quốc gia này sẽ tăng vọt, từ khoảng 1,8 tỷ USD vào năm ngoái lên 9,7 tỷ USD vào cuối năm 2032.
Ngày càng nhiều người tiêu dùng thế hệ Z (người sinh từ năm 1997 đến 2012) và Millennials (người sinh năm 1981-1996) ưu tiên tính bền vững hơn là thời trang được sản xuất liên tục để phù hợp với thị hiếu thay đổi nhanh chóng. Họ muốn ngăn chặn việc quần áo cũ chất đống ở các bãi rác và khuyến khích các công ty dệt may giảm lượng khí thải carbon.
Theo một báo cáo của công ty tư vấn Fashion for Good có trụ sở tại Hà Lan, Ấn Độ tạo ra 7,8 triệu tấn chất thải dệt may hàng năm. Đây cũng là nguồn chất thải rắn đô thị lớn thứ ba của nước này. Trong khi đó, khoảng 165 công ty, chủ yếu là các thương hiệu thời trang nhanh, chiếm 24% lượng khí thải carbon của ngành dệt may, theo dữ liệu từ công ty tư vấn cKinetics (Ấn Độ).
Nhiều cửa hàng đồ cũ đã chuyển sang bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội Instagram khi nhiều người phải ở trong nhà sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020. Xu hướng này cũng phát triển hơn sau khi Ấn Độ bắt đầu cấm một số ứng dụng của Trung Quốc vào năm 2020.
Một người tiêu dùng cho biết, các thương hiệu thời trang (của Trung Quốc) bán quần áo giá cả phải chăng thông qua ứng dụng của họ. Vì vậy, khi lệnh cấm có hiệu lực, những người quen mua sắm tiết kiệm đột nhiên không có nhiều lựa chọn.
Sneha Varghese, quản lý cấp cao của Future Market Insights, cho biết người tiêu dùng ở Ấn Độ, đặc biệt là thế hệ trẻ, đang mua quần áo đã qua sử dụng từ các nhà bán lẻ trực tuyến do có nhiều lựa chọn thương hiệu, mặt hàng độc đáo và dịch vụ khách hàng tốt hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!