Thời trang second hand... "lên ngôi"

Hồng Quang (PV Đài THVN thường trú tại châu Âu)-Thứ hai, ngày 27/02/2023 16:42 GMT+7

VTV.vn - Theo ước tính của tờ El Economista, doanh số bán quần áo cũ sẽ tăng gấp đôi so với hàng thời trang nhanh vào năm 2030.

Tại châu Âu, doanh số bán lẻ quần áo may sẵn vẫn chưa về được mức trước đại dịch. Thay đổi thói quen ăn mặc từ đợt phong tỏa phòng dịch, ý thức giảm rác thải, cùng tác động từ lạm phát, đang dịch chuyển kinh doanh quần áo may sẵn sang một hướng bất lợi đối với những quốc gia có ngành may gia công.

Nhật báo Pháp Libération ra hôm 20/2 dành trọn trang nhất cho chủ đề nóng: "Camaïeu, San Marina, Kookaï… quần áo may sẵn vẫn chưa hồi phục".

Trang báo chỉ nêu 3 nhãn hiệu vì không đủ chỗ, thực tế danh sách các chuỗi bán lẻ quần áo may sẵn và giày dép gặp khó còn dài.

Bài trang trong viết: "Hàng bán chậm, giá thuê cửa hàng cao, không đủ lực đầu tư thêm, nhiều yếu tố tác động nặng nề đến các thương hiệu nổi tiếng từ thập kỷ 80".

Bài báo trích thống kê của Viện Thời trang Pháp: "Năm 2022 vừa qua, doanh số quần áo vẫn giảm 10% so với năm 2019 trước đại dịch, giày dép giảm 8,5%".

Trong đại dịch, cửa hàng phải đóng cửa, nhu cầu cũng giảm, như bài báo phân tích: "Làm việc ở nhà không cần sơ mi, chỉ cần áo phông là đủ. Sau đại dịch, trên phố hay trong văn phòng, giày da và guốc cao gót không còn thấy nhiều. Lạm phát cao lúc này thêm một bất lợi: quần áo thời trang xét cho cùng cũng không phải là thiết yếu".

Thời trang second hand... lên ngôi - Ảnh 1.

Năm 2022 vừa qua, doanh số quần áo vẫn giảm 10% so với năm 2019 trước đại dịch. (Ảnh minh họa - Ảnh: derbytelegraph)

Tình hình tại Anh cũng khá u ám. Chuỗi cửa hàng thời trang trăm năm tuổi của Scotland M&Co cũng sắp phải đóng cửa toàn bộ 170 cửa hàng.

Tờ Daily Record ra tại Anh cho biết, các cửa hàng sẽ cố bán thêm từ nay cho đến lễ Phục sinh, khoảng 6 tuần tới, sau đó bắt đầu quá trình đóng cửa, vì sau 2 năm rao bán doanh nghiệp, không tìm được nhà đầu tư nào muốn mua lại. Giống như các hãng thời trang của Pháp, M&Co cũng thuê may gia công tại nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Thị trường thời trang châu Âu không chỉ chịu tác động từ xu hướng chuyển từ comple, áo vest sang thường phục thoải mái và thể thao năng động, mà còn suy giảm, do thế hệ người tiêu dùng trẻ ngày càng ý thức vấn đề môi trường, mua ít hơn và mua đồ cũ, nhằm giảm rác thải.

Tờ El Economista có bài: "Inditex đang tìm đối tác bán thời trang cũ tại Tây Ban Nha". Inditex là tập đoàn thời trang sở hữu nhiều thương hiệu, trong đó có Zara.

Bài báo viết: "Inditex củng cố cam kết thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, vào thời điểm ngày càng nhiều chỉ trích nhằm vào lĩnh vực thời trang. Theo Liên Hợp Quốc, công nghiệp thời trang là thủ phạm gây ô nhiễm đứng hàng thứ nhì trên hành tinh, đang tạo ra lượng khí thải nhiều hơn tất cả các chuyến bay quốc tế và vận tải đường biển cộng lại. Quần áo cũ bỏ lại rất khó tái chế, phần lớn phải cho vào lò đốt rác".

Tờ báo Tây Ban Nha ước tính doanh số bán quần áo cũ sẽ tăng gấp đôi so với hàng thời trang nhanh vào năm 2030.

Ngành công nghiệp thời trang 'quay vòng' Ngành công nghiệp thời trang "quay vòng"

VTV.vn - Tại nhiều quốc gia trên thế giới, Black Friday năm nay có ghi nhận một chút khác biệt do tình hình lạm phát.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước