Shine Muscat, giống nho có vỏ màu xanh nõn đặc trưng, quả to mọng và có vị ngọt ngon hảo hạng.
Tại Nhật Bản, giống nho này được bán ra với giá có thể lên tới 100 USD, gần 2,5 triệu đồng, cho một chùm nho. Những quả nho này được đóng hộp cẩn thận như thể đồ trang sức quý báu.
Tuy nhiên ở một số khu chợ châu Á khác ngoài Nhật Bản, loại nho được gọi là Shine Muscat lại được bày bán hết sức tràn lan, với giá rẻ hơn nhiều.
Khi được hỏi về sự khác biệt giữa nho chuẩn Nhật và nho không chuẩn, một người bán hàng đã thổ lộ: "Một quả mùi vị như thiên đường, còn một quả là dưới hạ giới. Hồi trước, nho Nhật Bản bán chạy hơn. Nhưng bây giờ kinh tế khó khăn, người ta mua loại nho gần giống như thế với giá rẻ hơn để tiết kiệm".
Tuy nhiên câu chuyện đối với các nhà nông nghiệp tại Nhật Bản không đơn giản như vậy. Để gây giống loại nho hảo hạng này, các nhà khoa học Nhật Bản đã mất tới 33 năm trời. Năm 2006, họ đã đăng ký chính thức giống nho này tại thị trường Nhật. 10 năm sau, họ phát hiện nho Shine Muscat đã có phiên bản làm nhái tại nhiều khu chợ châu Á khác, ví dụ như tại Hàn Quốc. Các nhà trồng nho tại Nhật đã dậy sóng.
Nho Shine Muscat ngọt và thơm của Nhật Bản được bán với giá cao. (Ảnh: Nikkei)
"Tôi rất lo lắng. Hàng của chúng tôi khi xuất khẩu ra nước ngoài sẽ vấp phải sự cạnh tranh từ những phiên bản rẻ hơn", ông Yuki Nakamura, Nông dân trồng nho Shine Muscat tại Nhật Bản, bày tỏ.
Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp và Thực phẩm Quốc gia Nhật Bản (NARO) đã điều tra các mẫu nho được bán ở nước ngoài, cũng như kiểm định mã gien xem có phải nho Shine Muscat không. Nhật Bản đang cân nhắc điều chỉnh một điều luật đã đưa ra từ năm 2020, cấm các hình thức tuồn hạt giống đã được đăng ký ra thị trường nước ngoài.
"Giống nho Shine Muscat của Nhật Bản có một mã gen đặc trưng. Nhìn vào đó là sẽ biết được có phải nho Muscat chuẩn hay không", ông Takehiko Shimada, Trưởng nhóm nghiên cứu giống quả tại NARO, cho biết.
Giới chức thuộc Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho rằng, nếu họ đăng ký được giống nho này ở thị trường nước ngoài, thì để bán nho chuẩn, có thể các nhà phân phối sẽ phải nộp phí lên tới hơn 10 tỷ Yen, khoảng 69 triệu USD một năm.
Tại Nhật Bản, người tiêu dùng đặc biệt kỹ tính về các loại hoa quả. Nhiều giống quả được trồng trọt tại Nhật Bản đã gây tiếng vang trên thị trường nước ngoài vì độ ngon của nó, nhưng nhiều giống quả trong số đó chưa được đăng ký bảo hộ thương hiệu khi ra thị trường nước ngoài, đặc biệt các giống dâu và cam, quýt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!