Nổi tiếng với sự tinh thần chính trực, người Nhật Bản luôn coi trọng và bảo vệ chữ tín của mình, trong cả đời sống hàng ngày cũng như trong kinh doanh. Một câu chuyện thể hiện rõ nét nhất điều này chính là câu chuyện về một công ty chuyên sản xuất dao, nĩa. Công ty này theo hợp đồng phải giao 3 triệu chiếc dao, nĩa tới công ty đối tác ở Chicago (Mỹ) vào ngày 1/9. Tuy nhiên, trong khâu sản xuất gặp phải một vài sự cố kỹ thuật mà lô hàng được hoàn tất vào ngày 30/8, chỉ một ngày trước thời hạn. Công ty Nhật Bản này đã quyết định thuê một chiếc máy bay Boeing 707 để đưa toàn bộ lô hàng đến công ty đối tác ở Chicago đúng hạn đã cam kết mặc dù việc này sẽ khiến lợi nhuận công ty giảm sút.
Câu chuyện trên là một trong rất nhiều ví dụ về việc giữ chữ tín trong kinh doanh. Đó cũng chính là chủ đề được bàn luận trong chương trình Hội nhập phát sóng ngày 6/9 trên kênh VTV1 cùng hai vị khách mời là TS. Nguyễn Minh Hằng - Trưởng khoa Luật Đại học Ngoại thương, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế và ông Nguyễn Dương - Chuyên gia trải nghiệm khách hàng, Nguyên Giám đốc Quốc gia Singtel Việt Nam.
Tìm kiếm thị trường mới cho các doanh nghiệp trong nước là hướng đi mà Chính phủ và các Bộ, ngành đang nỗ lực thực hiện để tránh những rủi ro và lệ thuộc vào một số thị trường nhất định. Tuy nhiên, thay vì tạo dựng uy tín và lòng tin với các khách hàng mới, không ít những doanh nghiệp trong nước lại chạy theo những cái lợi trước mắt, đánh mất uy tín của bản thân. Một bộ phận những doanh nghiệp trong nước lại từ chối những đơn đặt hàng từ Dubai - một thị trường với dung lượng không giới hạn - chính là một nghịch lý.
Với tư cách là Trọng tài viên, Trung tâm trọng tài Quốc tế, TS. Nguyễn Minh Hằng đã được rất nhiều doanh nghiệp khi gặp rủi ro ở các thị trường mới tại nước ngoài tìm đến. Theo bà, khi mở rộng ra các thị trường mới ở nước ngoài, việc gặp rủi ro là điều không tránh khỏi. Lời khuyên mà bà dành cho các doanh nghiệp chính là phải tìm được những đối tác tin cậy ở những thị trường đó. Chính những đối tác này sẽ là "cánh cửa" dẫn các doanh nghiệp tới thị trường mới này. Để làm được điều này, doanh nghiệp Việt sẽ cần phải thay đổi cách thức làm việc chụp giật của mình.
Ông Nguyễn Dương trong chương trình Hội nhập.
Lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam có lẽ là lĩnh vực có nhiều vụ việc phá vỡ hợp đồng và bội tín nhất khi mà cả doanh nghiệp lẫn người nông dân đều sẵn sàng phá bỏ hợp đồng nếu có nguồn lợi lớn hơn trước mắt. Vấn đề không chỉ đơn thuần là hợp đồng tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp mà xa hơn là cam kết của từng mắt xích trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ - chế biến - xuất khẩu. Điểm chung của các vụ phá vỡ hợp đồng chính giữa doanh nghiệp và nông dân là nội dung hợp đồng liên kết lỏng lẻo, thiếu những quy định chế tài cụ thể, dẫn đến việc thực hiện hợp đồng mang tính nửa vời.
Với kinh nghiệm làm việc cho các công ty nước ngoài, ông Nguyễn Dương cho rằng, một vấn đề mà ngay cả những doanh nghiệp lớn ở Việt Nam mắc phải chính là tính chuyên nghiệp, khi mà doanh nghiệp Việt làm việc tùy hứng, tùy tiện. Trong khi đó, những đối tác nước ngoài thì thường làm việc theo quy trình và cam kết. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp Việt Nam "nghiện" lợi nhuận xấu, những lợi nhuận mà phải đánh đổi bằng niềm tin của khách hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt lại không biết rằng hay không cần quan tâm rằng, những lợi nhuận xấu này sẽ làm xói mòn chữ tín của doanh nghiệp.
Việt Nam đã hội nhập sâu rộng về kinh tế, thương mại với khu vực và thế giới. Hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, giúp mang về cho đất nước khoảng 200 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn sẽ cần thay đổi suy nghĩ và cách làm việc vì lợi nhuận trước mắt mà bội tín, phá vỡ hợp đồng.
Chương trình Hội nhập phát sóng vào khung giờ 22h45 - 23h15 trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam PVGas - CTCP, Công ty TNHH MTV My Health, Công ty CP Peacelife Việt Nam và Trung tâm thông tin VIBIZ.VN.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!