Những tình huống "dở khóc dở cười" vì khái niệm "hàng thiết yếu"
Câu chuyện xung quanh phát ngôn "bánh mì không phải là thực phẩm" đã từng gây xôn xao dư luận cách đây ít ngày. Vị Phó Chủ tịch phường ở Nha Trang, Khánh Hòa đã phải chịu kỷ luật, lãnh đạo thành phố này cũng công khai xin lỗi nhân dân vì sự hiểu biết chưa đầy đủ của cán bộ khi thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên nhìn ở một góc khác, lỗi cũng không hoàn toàn nằm ở ông Phó Chủ tịch phường bởi thời điểm ông phạm lỗi, tỉnh Khánh Hòa chưa có quy định cụ thể thế nào là hàng thiết yếu. Sau vụ việc bánh mì, nhiều tình huống dở khóc dở cười cũng đã xảy ra tại các địa phương khác, chỉ vì khái niệm "hàng thiết yếu" không được định nghĩa cụ thể, tường minh.
Ngày 23/7, ở chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại huyện Ninh Hải, Ninh Thuận, một xe chở tiền của ngân hàng đã bị chặn lại với lý do "Tiền không phải hàng thiết yếu".
Người dân mua hàng tại một siêu thị. (Ảnh: TTXVN)
Một doanh nghiệp quy mô chỉ 8 người trên nhà xưởng rộng tới 2.000 m2 tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh bị cán bộ xã lập biên bản yêu cầu dừng sản xuất vì "không phải hàng thiết yếu", dù đây là dây khóa kéo dùng cho quần áo bảo hộ y tế.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh này, nhưng không thuộc nhóm hàng hoá thiết yếu ở tỉnh khác nên không thể giao hàng đến đại lý.
Việc cấp mã QR cho phương tiện vào luồng xanh cũng lúng túng. Theo thống kê, trong ngày đầu tiên triển khai, Hà Nội có hơn 10.000 hồ sơ nhưng chỉ cấp được 20%; TP Hồ Chí Minh có 13.000 hồ sơ xin cấp, cũng chỉ duyệt được chưa đầy 10% do chưa có có danh mục về mặt hàng thiết yếu, nên quy trình bị ách tắc, mất thời gian.
Bộ Công Thương đề xuất thay "hàng hóa thiết yếu" bằng hàng hóa "cấm lưu thông"
Có thể nói, thời điểm này, các cơ quan chức năng đã nhận ra những bất cập của việc thiếu nhất quán trong việc hiểu thế nào là hàng thiết yếu. Mới đây, cùng với việc ban hành danh sách tạm thời về hàng thiết yếu, Bộ Công Thương cũng có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành Danh mục hàng hóa "cấm lưu thông" thay vì liệt kê Danh mục "hàng hóa thiết yếu".
Theo đó, có 19 nhóm mặt hàng cấm lưu thông như: vũ khí, ma túy, động thực vật hoang dã, đồ chơi nguy hiểm, văn hóa phẩm đồi trụy… và 7 nhóm hàng hóa dịch vụ hạn chế kinh doanh. Các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần tham chiếu theo danh sách này để tránh. Các hàng hóa, dịch vụ không trong danh sách sẽ được lưu thông bình thường.
Chính phủ cũng đã có nhiều biện pháp tháo gỡ về mặt kỹ thuật. Cụ thể, ngày 25/7, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển đã có mã QR Code của ngành Giao thông Vận tải khi đang lưu thông, chỉ kiểm tra ở chốt kiểm dịch. Tiếp đó, ngày 29/7, việc điều chỉnh tăng thêm một bước là ngay tại các chốt kiểm soát dịch cũng không kiểm tra phương tiện có mã QR Code. Việc điều chỉnh này ngay lập tức đã tạo hiệu quả tích cực.
Giao thông tại chốt cửa ngõ Hà Nội không còn ùn tắc
Khu vực chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại trạm thu phí Pháp Vân - Ninh Bình khá thông thoáng. Tình trạng cả đoàn phương tiện nối đuôi nhau chờ đến lượt qua trạm như những ngày đầu Hà Nội thực hiện kiểm soát phương tiện ra vào thành phố đã không còn tái diễn.
"Mấy ngày trước rất phức tạp. Đường vành đai này là trục chính, nếu em đi Lạng Sơn, em phải vòng xuống tận Hưng Yên, Hải Dương rất vất vả. Nhà nước đã cấp cho mình mã code này đi thuận tiện hơn nhiều", lái xe Trần Đình Khoa cho hay.
Các phương tiện có thẻ nhận diện với mã QR không phải kiểm tra khi đi qua các trạm kiểm soát dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Những xe không có thẻ nhận diện hoặc thẻ hết thời hạn chở các loại mặt hàng không trong danh mục cấm sản xuất kinh doanh cũng sẽ được qua chốt sau khi thực hiện khai báo y tế và có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính còn thời hạn.
"Chúng tôi đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải cắm biển làn dành riêng cho xe luồng xanh ở 2 đầu chốt. Khi phương tiện tiếp cận vào chốt có thể đi trên làn đường đó, khi qua chốt lực lượng kiểm soát sẽ kiểm tra nhanh chóng và dễ dàng", Trung tá Phạm Quang Minh, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội, cho biết.
Trong quá trình kiểm tra xác suất, cảnh sát giao thông đã bắt gặp một số trường hợp trên xe chở thêm 1 - 2 người, trong khi để đăng ký cấp thẻ nhận diện chỉ yêu cầu lái xe có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác hậu kiểm và xử lý vi phạm tại bến bãi xếp dỡ hàng theo quy định.
Trong bối cảnh dịch bệnh chưa có tiền lệ hiện nay, những lộn xộn, lúng túng trong ứng phó là khó tránh khỏi. Quan trọng là đánh giá, nhìn nhận lại những mặt được và chưa được để sẵn sàng điều chỉnh, rút ra những bài học lâu dài. Các quyết định quản lý luôn thận trọng, nhưng trong lúc khó khăn ngặt nghèo càng cần thận trọng hơn bao giờ hết, bởi nó gắn liền với sinh kế, thậm chí sinh mạng của người dân.
Gỡ điểm nghẽn "hàng thiết yếu" là yêu cầu cấp thiết lúc này. Cần làm gì, cần triển khai ra sao? Câu trả lời phần nào sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay (2/8) với sự tham gia của ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Mời quý vị theo dõi qua video trên!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!