Gỗ ghép thanh xuất khẩu vẫn thuộc nhóm có mức thuế 0%

Trịnh Huyền-Thứ sáu, ngày 14/08/2020 20:07 GMT+7

VTV.vn - Tổng cục Hải quan vừa chính thức ra văn bản kết luận mặt hàng Gỗ ván ghép thanh xuất khẩu thuộc mã HS 44.18, chịu mức thuế xuất khẩu 0%.

Thông báo số 5344 ngày 13/8 được đưa ra sau khi xem xét kiến nghị của doanh nghiệp, Hiệp hội và các Bộ ngành liên quan.

Theo kết quả phân loại trong thông báo này, sản phẩm gỗ cao su dạng tấm, đã bào, chà nhám … chưa sử dụng được ngay, còn phải qua vài công đoạn gia công thêm để làm các sản phẩm tuỳ thuộc mục đích sử dụng như ván lót, mặt sàn, cầu thang…. thuộc nhóm 44.18. Nghĩa là được công nhận đã trải qua bước gia công đủ sâu để được hưởng mức thuế suất 0%. Kết luận này được đưa ra thay thế văn bản 4250/TB-TCHQ ngày 24/6/2020 của Tổng cục Hải quan quy định mặt hàng gỗ ghép thanh thuộc mã HS 44.07 và chịu mức thuế xuất khẩu 25%.

Gỗ ghép thanh xuất khẩu vẫn thuộc nhóm có mức thuế 0% - Ảnh 1.

Gỗ ghép thanh xuất khẩu vẫn thuộc nhóm có mức thuế 0%.

Trước đó, khi bị đột ngột thay đổi mã HS theo văn bản ngày 24/6, khoảng 8000m3 gỗ ván ghép thanh của khoảng 20 doanh nghiệp đã bị ùn tắc tại các cảng với giá trị lên đến khoảng 5 triệu USD do doanh nghiệp không xoay sở kịp các đơn hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp và Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cũng lo ngại mặt hàng này sẽ không tiếp tục xuất khẩu khi bị đột ngột áp mức thuế này vì không thể cạnh tranh với các nước khác.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Vụ chính sách thuế - Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cũng đã gửi văn bản đến Tổng cục Hải quan để đề nghị trả lại mã HS 44.18 cho mặt hàng gỗ ghép thanh thay vì mã HS 44.07 là mặt hàng gỗ nguyên liệu và hiện đang chịu thuế xuất khẩu 25%.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, quá trình sản xuất ván ghép thanh đã làm thay đổi hoàn toàn kết cấu của thanh gỗ xẻ cơ sở ban đầu (mã HS 44.07) thông qua các công đoạn chế biến sâu tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Vì vậy, việc áp dụng mã hàng hóa của ván ghép thanh theo mã HS 4407 là không phù hợp với Thông tư 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính về ban hành danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, cũng như ý kiến của Bộ Tài chính tại Văn bản số 9365/BTC và sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp trong nước sản xuất chế biến sâu để hạn chế nhập khẩu đối với loại ván này.

Gần 150 doanh nghiệp và trên 200 hộ trồng rừng bị ảnh hưởng

Theo VIFOREST, hàng năm giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ ghép thanh đã đóng góp trên 200 triệu USD/năm vào giá trị xuất khẩu của ngành gỗ, chiếm 3% tổng giá trị xuất khẩu.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện cả nước có 146 doanh nghiệp sản xuất ván ghép thanh, với công suất khoảng 570.000 m3 phẩm/năm. Nguyên liệu sản xuất ván ghép thanh là các loại gỗ rừng trồng trong nước, chủ yếu là gỗ keo, cao su, bạch đàn.

Gỗ ghép thanh xuất khẩu vẫn thuộc nhóm có mức thuế 0% - Ảnh 2.

Gỗ ghép thanh xuất khẩu vẫn thuộc nhóm có mức thuế 0%.

Trên thị trường, ván ghép thanh có giá xuất khẩu cao gấp 3 - 4 lần giá gỗ xẻ (gỗ xẻ giá từ 3,4-3,6 triệu đồng/m3; ván ghép thanh giá từ 10-14 triệu đồng/m3). Trong khi đó, để làm ra 1 m3 ván ghép thanh cần sử dụng 1,7-1,8 m3 gỗ xẻ.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phát triển sản xuất gỗ ghép, góp phầm giảm chi phí vận chuyển gỗ tròn về vùng có các nhà máy chế biến gỗ và mang lại giá trị gia tăng cho ngành chế biến gỗ. Đồng thời sản xuất mặt hàng này giúp giải quyết vấn đề nguyên liệu lãng phía trong ngành gỗ, tận dung được tối đa nguyên liệu và giải bài toán cây gỗ lớn đối với ngành lâm nghiệp.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu ván ghép thanh năm 2019 đạt 332,7 triệu USD, chiếm 2,9 % tổng giá trị xuất khẩu lâm sản, tăng 16,7 % so với năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặt hàng này xuất khẩu đạt 181,5 triệu USD, chiếm 3,4% giá trị xuất khẩu, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2019.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước