Tháng 5 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đây được cho là chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ phục hồi nhanh nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sau đó đã thiết kế gói hỗ trợ lãi suất trị giá hơn 16.000 tỷ đồng cho năm nay. Tuy nhiên, qua 3 tháng thực hiện, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới giải ngân được khoảng 1,5 tỷ đồng.
Trong tổng số khách hàng đã hưởng hỗ trợ lãi suất 2% thời gian qua, riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chiếm trên 70%.
Dù vậy tới đây, ngân hàng muốn giải ngân nhiều hơn cũng rất khó. Bởi theo quy định, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh muốn nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất phải không có nợ xấu; có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo mới được tiếp cận. Chưa kể, 95% khách hàng của ngân hàng này là cá nhân.
Qua 3 tháng thực hiện, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới giải ngân được khoảng 1,5 tỷ đồng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Với dư nợ của cá nhân rất lớn, thực tế theo quy định là phải có đăng ký kinh doan, nhưng hầu hết các hộ kinh doanh ở trên địa bàn tỉnh không có đăng ký kinh doanh", ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.
Từ góc độ doanh nghiệp, dù muốn được vay với lãi suất ưu đãi 2%, nhưng lại có tâm lý e ngại. Vì khi đã nhận khoản vay hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ các cuộc thanh, kiểm tra sau đó, dù chưa biết có sai hay không, nhưng cứ nghe thanh, kiểm tra là doanh nghiệp ngại.
Các chuyên gia cho rằng, việc đánh giá hiệu quả của chương trình hỗ trợ lãi suất 2% nên dựa trên tinh thần không nhất thiết phải căn cứ vào việc giải ngân được nhiều hay ít, mà quan trọng là phải đúng đối tượng và đảm bảo an toàn.
"Nếu hạ chuẩn xảy ra, thì lập tức sẽ có nhiều rủi ro về việc không thể trả nợ vay, lãi vay cho ngân hàng. Sau này, các ngân hàng thương mại sẽ là người gánh chịu rủi ro", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, nhận định.
Ngày 26/8, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến giải đáp vướng mắc phát sinh. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo chi tiết về việc triển khai chương trình này và chỉ đạo triển khai quyết liệt trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!