Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, với giá lúa như hiện nay, doanh nghiệp mua vào sẽ có lãi rất tốt. Các doanh nghiệp lớn có vốn nhiều sẽ rất thuận lợi, nhưng những nhà máy có quy mô nhỏ, thiếu vốn sẽ rất khó để đẩy mạnh việc thu mua lúa tạm trữ.
Các tổ chức tín dụng khẳng định sẽ đồng hành với doanh nghiệp, nông dân không chỉ trong vụ lúa Đông Xuân này mà còn ở các vụ mùa khác. Để nguồn vốn đầu tư hiệu quả hơn, ngành lúa gạo cần phải tái cơ cấu theo hướng bền vững.
Tính đến chiều 26/2, giá lúa ở ĐBSCL duy trì mức tăng từ 200 - 300 đồng/kg so với cách đây vài tuần. Hy vọng định hướng tái cơ cấu của ngành nông nghiệp, đặc biệt sự đồng hành từ các tổ chức tín dụng và việc đẩy mạnh thu mua của các doanh nghiệp sẽ giúp thị trường lúa gạo khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Việc tìm giải pháp cho thực trạng lúa gạo ĐBSCL bị rớt giá, khó bán đang là vấn đề nóng của ngành nông nghiệp trong thời gian gần đây. Ngày 26/2, tại tỉnh Đồng Tháp, Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL đã được tổ chức. Để ổn định giá cả, đầu ra cho người trồng lúa, tại hội nghị nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc tập trung thu mua tạm trữ, các doanh nghiệp cần dự báo được nhu cầu của thị trường về số lượng, chủng loại để đặt hàng nông dân sản xuất, đồng thời phải sớm có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!