Gỡ nút thắt “tín dụng xanh” cho tăng trưởng xanh

Kate Trần-Thứ năm, ngày 19/12/2024 12:41 GMT+7

Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040. Ảnh: TL

VTV.vn - Theo các chuyên gia, Nhà nước cần gỡ nút thắt để thị trường này phát triển lành mạnh, phục vụ hiệu quả cho tăng trưởng xanh.

Thời gian qua, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh ghi nhận sự phát triển nhanh, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Theo các chuyên gia, Nhà nước cần gỡ nút thắt để thị trường này phát triển lành mạnh, phục vụ hiệu quả cho tăng trưởng xanh.

Phát triển nhanh nhưng chưa xứng với tiềm năng

Trao đổi với phóng viên VTV Times, PGS - TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước. “Tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới nền kinh tế trung hòa Carbon. Đây cũng là bài toán chứa đựng nhiều khó khăn và thách thức đối với Việt Nam”, ông Thọ nhấn mạnh. 

Theo ước tính của ADB, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh. “Thách thức lớn nhất của Việt Nam là huy động nguồn vốn để đào tạo nguồn nhân lực xanh và triển khai các dự án hạ tầng xanh quy mô toàn quốc, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang chịu áp lực từ sự phát triển nhanh chóng và các vấn đề môi trường”, ông Thọ nhấn mạnh thêm.

Ở góc độ chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Để phát triển thị trường tài chính xanh, không chỉ dựa vào nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, các nguồn vốn vay, hỗ trợ từ tổ chức tài chính quốc tế, nước ta cần phát triển thị trường vốn xanh và thị trường tín dụng xanh. 

Gỡ nút thắt “tín dụng xanh” cho tăng trưởng xanh - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc về giảm phát thải chuyển đổi xanh

Được biết, trên thế giới và khu vực, thị trường tín dụng xanh và trái phiếu xanh đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Riêng khu vực ASEAN + 3, theo Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thị trường trái phiếu bền vững đạt quy mô gần 800 tỷ USD năm 2023, gấp hơn 7 lần so với 2017. Còn tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh đã có tốc độ phát triển hơn 20%/năm, cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. 

Thị trường tài chính xanh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đánh giá, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,4% tổng dự nợ toàn nền kinh tế; con số 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh, dự án xanh.

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt ra mục tiêu “phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững”. Đây sẽ là các trụ cột quan trọng trong việc xây dựng thị trường vốn xanh, bền vững, góp phần phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn, nguồn tài chính cần thiết cho các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, xanh và các dự án bảo vệ môi trường khác.

Đi sâu hơn về tình hình từ phía doanh nghiệp, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho rằng, hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị cho công cuộc này vẫn chiếm đa số. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ gặp vướng mắc trong việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp; chưa có nhân sự chuyên môn về giảm phát thải chuyển đổi xanh; chưa xây dựng được chiến lược giảm phát thải và quan trọng hơn đó là chưa có nguồn vốn để thực hiện giảm phát thải. Do đó, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ trong việc giảm chi phí thực hiện chuyển đổi xanh qua các cơ chế ưu đãi thuế và tín dụng ban đầu hoặc các hình thức hỗ trợ, kết nối thị trường, chuyển giao các công nghệ, mô hình...

Ngoài ra, đối với thị trường tín dụng xanh, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học Viện Ngân hàng khuyến nghị cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến tín dụng xanh theo hướng tăng cường tính bắt buộc để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh; đa dạng hóa các nguồn vốn cho tín dụng xanh, ưu tiên nguồn vốn cho tín dụng xanh, tín dụng cho phát triển bền vững thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ...

Còn đối với trái phiếu/cổ phiếu xanh, theo TS. Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), nước ta cần triển khai đồng bộ giải pháp hỗ trợ các cấu phần của thị trường chứng khoán xanh phát triển; hỗ trợ và đào tạo các công ty niêm yết, công ty đại chúng về công bố các thông tin liên quan đến phát triển bền vững nhằm đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động phát triển bền vững; xây dựng năng lực cho các thành viên thị trường để có thể cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập đối với các dự án xanh sử dụng nguồn thu từ vốn nợ xanh...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước