Gỡ nút thắt trong phát triển cà phê đặc sản

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 13/03/2023 12:00 GMT+7

VTV.vn - Hiện việc sản xuất cà phê đặc sản đang có lỗ hổng rất lớn về chế biến sau thu hoạch.

Tiềm năng phát triển cà phê đặc sản Việt Nam

Cà phê đặc sản là sản phẩm cà phê từ vùng trồng có điều kiện tự nhiên cùng với quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến đặc biệt. Khi thử nếm có hương vị riêng và đạt từ 80 điểm trở lên theo tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới và Viện Chất lượng cà phê thế giới.

Việt Nam sở hữu thủ phủ cà phê Robusta tại 5 năm tỉnh Tây Nguyên đáp ứng được điều kiện về độ cao và khí hậu phù hợp với cà phê đặc sản. Tuy nhiên, giá trị về thương hiệu cà phê vẫn chưa có.

Hiện cả nước có diện tích trồng cà phê khoảng 710.000 ha, trong đó cà phê Robusta chiếm trên 90% tổng diện tích. Vài năm gần đây xuất hiện thêm nhiều thị trường tiêu thụ cà phê Robusta đặc sản. Đây sẽ là cơ hội cho ngành cà phê Việt Nam với vai trò là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới.

Hình thành vùng nguyên liệu cà phê đặc sản

Việt Nam cũng xác định mục tiêu rõ ràng là làm tập trung cho cà phê Robusta đặc sản, không phải Arabica. Điều này buộc các nhà xuất khẩu phải đầu tư nhiều hơn cho các trang trại liên kết để tạo ra những sản phẩm có giá trị đặc sản được người tiêu dùng chấp nhận và lựa chọn.

Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đang được triển khai tại 8 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, cũng đã khẳng định thêm cho hướng đi này.

Gỡ nút thắt trong phát triển cà phê đặc sản - Ảnh 1.

Ngoài thay đổi phương thức sản xuất, cà phê đặc sản còn đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế biến.

Trang trại cà phê đặc sản của ông Lê Văn Tâm - TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk được kiến tạo gồm 3 tầng gồm: Trụ hồ tiêu trồng làm cây chắn gió, cà phê là cây chủ đạo và thảm cỏ. Đây là môi trường lý tưởng để cây cà phê phát triển thuận theo tự nhiên, cho ra hạt cà phê đặc sản. Khi cỏ quá tốt, thay vì nhổ bỏ hay phun thuốc diệt trừ thì chỉ cần cắt ngang bề mặt là có thêm nguồn phân bón hữu cơ cho cây cà phê.

Các doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất cà phê đã xác định, nông dân là người quyết định chất lượng cho toàn chuỗi giá trị, do đó đã liên kết với nông dân để hoàn thiện các phương pháp và quy trình chế biến cà phê đặc sản.

Hiện người nông dân đang sản xuất theo hướng xây dựng cụm cảnh quan cà phê bền vững. Với phương thức này hạt cà phê sẽ đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng để làm nên cà phê đặc sản.

Ngoài thay đổi phương thức sản xuất, cà phê đặc sản còn đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế biến. Cà phê phải hái chín trên 90%, ủ lên men tự nhiên. Đến nay, trong số 580.000 ha cà phê của Tây Nguyên, đã có 50% diện tích đạt các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế.

Sản xuất cà phê đặc sản đang có lỗ hổng lớn

Theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025, diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê. Giai đoạn 2026 - 2030, tổng diện tích đạt gần 19.000 ha, chiếm khoảng 3% diện tích cà phê Việt Nam.

Thực tế, các địa phương được chọn làm thí điểm cũng đã bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, quá trình làm gặp không ít khó khăn. Để có được cà phê đặc sản đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới, đòi hỏi quy trình khắt khe từ khâu trồng đến chế biến, bảo quản. Cà phê được chế biến rất kỳ công, hái chín chọn lọc bằng tay 100%, được kiểm soát lên men nguyên trái và trải qua giai đoạn phơi chậm.

Toàn bộ quá trình này giúp hình thành những hương vị mới cho cà phê. Trong khi đó, việc sản xuất cà phê đặc sản đang có lỗ hổng rất lớn về chế biến sau thu hoạch.

"Chúng ta còn thiếu rất nhiều kết cấu hạ tầng; trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm; dây chuyền sản xuất và chế biến cà phê cũng vẫn còn thiếu. Vì vậy đòi hỏi sự hỗ trợ từ phía chính phủ", ông Vũ Bá Phúc - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho biết.

Gỡ nút thắt trong phát triển cà phê đặc sản - Ảnh 2.

Cà phê đặc sản Việt Nam bắt đầu được thị trường cà phê toàn cầu chú ý và xác lập được tên tuổi trên bản đồ cà phê đặc sản thế giới.

Ngoài ra, nước ta chưa có bộ hướng dẫn chuẩn do các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước biên soạn. Hiện tìm người để tập huấn cho bà con nông dân về chế biến cà phê đặc sản trong nước rất hiếm. Tìm đơn vị có thể triển khai lớp tập huấn rất khó.

Để xây dựng được thương hiệu cà phê, không đơn giản là trồng cà phê ngon, mà còn cần các hoạt động khác về tiếp thị, quảng bá… thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, giao lưu văn hóa, du lịch trong và ngoài nước.

Hiện nay, cà phê đặc sản Việt Nam bắt đầu được thị trường cà phê toàn cầu chú ý và xác lập được tên tuổi trên bản đồ cà phê đặc sản thế giới. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 có chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới" sẽ kết thúc vào ngày 14/3. Một lần nữa giá trị của cà phê việt, trong đó có cà phê đặc sản đã được rất nhiều đối tác quốc tế quan tâm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước