Ngành cà phê Việt Nam vừa trải qua một năm thuận lợi với kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục hơn 4 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2021. Tuy nhiên, bước sang năm nay doanh số xuất khẩu được dự báo sẽ chậm lại.
Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, tính trong nửa đầu tháng 1, Việt Nam đã xuất khẩu gần 92.000 tấn cà phê, tương đương kim ngạch đạt hơn 202 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê đã giảm 20% về lượng và giảm 18% về giá trị.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trong năm 2023, xuất khẩu cà phê trong nước tăng hay giảm phụ thuộc hoàn toàn vào giá thị trường và do thị trường quyết định. Năm 2022 giá cà phê xuất khẩu tăng nên kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng lên.
Tuy nhiên, năm nay điều kiện khách quan lớn hơn như lạm phát tăng, nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu lớn bị kéo giảm, đặc biệt là thị trường châu Âu - nơi chiếm trên dưới 45% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn chưa biết khi nào kết thúc nên thị trường châu Âu vẫn còn khá bấp bênh.
Thu lợi nhuận cao từ cà phê đặc sản
Cà phê - cây trồng chủ lực của vùng đất Tây Nguyên thời gian qua vẫn còn thiếu bền vững. Vì vậy, hiện các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích nông dân chuyển hướng sang các mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao và nhất là cà phê đặc sản. Nhờ vậy, nhiều nông dân, hợp tác xã không chỉ thu về lợi nhuận cao, mà còn nâng tầm được giá trị thương hiệu của cà phê Tây Nguyên.
Sau khi thu hoạch cà phê, nông dân chọn lựa 100% quả chín, loại bỏ quả xanh, hư hỏng một cách kỹ lưỡng trước khi sơ chế, chế biến. Chấp nhận bỏ ra công sức lớn, chi phí nhân công nhiều hơn so với sản xuất cà phê thông thường, song theo anh Đoàn Anh Tuấn - Chủ Nông trại D&S Coffee, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, Gia Lai cho biết, giá trị của hạt cà phê nhân lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần.
"Thị trường chất lượng cao năm nay và năm tới sẽ rất sôi động. Có nhiều doanh nghiệp liên hệ với chúng tôi, trong đó có một doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đặt cọc bao tiêu toàn bộ sản phẩm hữu cơ, giá tăng gấp 3 lần so với cà phê nhân xô", anh Tuấn cho biết.
Cà phê - cây trồng chủ lực của vùng đất Tây Nguyên.
Nhờ áp dụng phương pháp sản xuất theo hướng hữu cơ và quy trình chế biến cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, mà rất nhiều nông dân, hợp tác xã đã giúp nâng cao giá trị, uy tín cho sản phẩm cà phê vùng Tây Nguyên.
Để sản xuất cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cùng bà con nông dân trên địa bàn Tây Nguyên đã áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người sản xuất, lẫn người tiêu dùng.
Nâng cao giá trị cà phê Tây Nguyên
Trong đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến 2025, diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê cả nước. Đây được xác định là hướng đi bền vững, để có thể nâng cao giá trị cho cà phê Tây Nguyên.
Hiện nay, nông dân tại các vùng chuyên canh cà phê Tây Nguyên đã được hưởng lợi thông qua việc triển khai các hợp phần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ các hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao theo hướng bền vững ở cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo Hiệp Hội cà phê ca cao Việt Nam, để ngành hàng tăng sức cạnh tranh, nông dân, doanh nghiệp cần phải chủ động liên kết vùng sản xuất để cùng phát triển và tạo dựng ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo theo các quy trình đồng nhất.
Đặc biệt, với những thị trường khó tính, cà phê đặc sản là sản phẩm giúp xây dựng giá trị, tăng khả năng cạnh tranh và uy tín của cà phê Việt Nam.
Ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho hay: "Chúng tôi đang xây dựng tiêu chuẩn khắt khe nhất của các thị trường, trong đó có thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật, hay Hàn Quốc. Giá trị cà phê để đạt chứng nhận khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp cà phê phải kiểm soát chất lượng từ gốc mới đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu".
Trong năm 2022, thị trường tiêu thụ cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản tăng cao. Không chỉ nông dân được hưởng lợi, mà ngành cà phê Việt Nam còn thiết lập được mốc kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 4 tỷ USD. Đây là tín hiệu khởi sắc, tạo động lực cho nông dân Tây Nguyên nỗ lực theo đuổi lối canh tác hữu cơ, để làm ra sản phẩm cà phê đặc sản, nâng tầm giá trị cà phê Việt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!