Thực tế cho thấy các địa phương dọc hành lang vận tải kết nối Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tập trung nhiều nhà máy, khu công nghiệp nên nguồn hàng khá phong phú. Tuy nhiên, hiện trên tuyến còn những nút thắt cần tháo gỡ để đảm bảo phát huy hết hiệu quả trong vận chuyển container bằng đường thủy.
Cảng cạn Tân Cảng Quế Võ nằm trên chặng giữa của hành lang vận tải số một kết nối Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Cự ly vận chuyển vừa phải, cùng với đó nhiều cơ chế chính sách ưu đãi với vận chuyển container bằng sà lan nên chi phí vận chuyển có thể được tiết giảm từ 10% đến 15% so với chi phí vận tải đường bộ. Đây cũng là lý do nguồn hàng qua cảng tăng trưởng đều. Để đảm bảo năng lực vận chuyển, đơn vị thiết kế cảng có thể phục vụ loại sà lan 160 Teus hoạt động. Thế nhưng, hiện loại sà lan này chưa thể sử dụng hoặc nếu sử dụng cũng không dùng được hết công suất.
Thiếu tá Nguyễn Công Bình - Giám đốc Cảng cạn Tân Cảng Quế Võ cho biết: "Với 160 tues đó, việc xếp dỡ 4 lớp là đương nhiên. 4 lớp như vậy thì hiện nay với tuyến hiện hữu không đảm bảo được khi ảnh hưởng tĩnh không của cầu Bình. Sản lượng lớn chúng ta mà dùng nhiều sà lan nhỏ thì sẽ gây nên chi phí tăng cao".
Cầu Bình là cầu khá mới. Tuy nhiên, hiện tĩnh không cầu chỉ đạt 7,5 mét. Điều đó có nghĩa dù sà lan được thiết kế xếp 4 lớp container nhưng lại chỉ xếp được tối đa 3 lớp mới có thể đi qua. Như vậy, vận tải đường thủy đã mất đi lợi thế về giá thành vận chuyển khi lượng hàng đã phải dùng đến hai sà lan.
Ông Lê Minh Đạo - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhận định: "Trong thời gian tới sẽ nghiên cứu để nâng tĩnh không lên 9,5m đáp ứng vận tải container 4 lớp. Các vị trí mà bán kính cong hạn chế trên tuyến Bộ cũng đã cho nghiên cứu để cải thiện đảm bảo thuận lợi vận tải trên tuyến".
Trên hành lang vận tải số một của đường thủy khu vực phía Bắc hiện có ba cây cầu gây cản trở phát triển là cầu Bình, cầu Hồ và cầu Đuống. Hiện cầu Đuống đang được đầu tư cải tạo. Vì thế, nâng cấp những cây cầu còn lại, đặc biệt là cầu Bình, là cần thiết để đảm bảo sự đồng bộ trên toàn tuyến. Vẫn biết đầu tư là tốn kém nhất là khi cầu Bình mới chỉ được xây dựng khoảng 20 năm. Nhưng khi tĩnh không cầu được cải tạo đảm bảo sà lan xếp 4 lớp container đi qua thì hiệu quả khai thác tuyến vận tải này sẽ tăng từ 25% đến 30% so với hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!