Nguồn tiền đã sẵn sàng, một chủ trương cho thấy sự quan tâm kịp thời của Nhà nước đến doanh nghiệp và người lao động sau những khó khăn của dịch bệnh. Đáng lẽ nó phải đến tay doanh nghiệp rồi đến tay nhiều người lao động từ lâu, nhưng những tiêu chí đưa ra quá ngặt nghèo khiến sự hỗ trợ đáng lẽ rất kịp thời lại bị trì hoãn.
Gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng đã "nằm im bất động" hơn 2 tháng nay
Theo ghi nhận như tại Khánh Hòa, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quy định về việc tái cấp 16.000 tỷ đồng đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, thì cho đến thời điểm này, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh chưa nhận được danh sách phê duyệt người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn của UBND tỉnh, nên nguồn vốn này vẫn chưa thể giải ngân. Nguyên nhân là điều kiện cho vay quá khó để tiếp cận.
"Nhiều cái chính sách, nhiều khoản rất là phức tạp. Ví dụ như là khách sạn của chúng tôi phải nghỉ hoặc bên Vĩnh Thành Bakery phải nghỉ nhưng mà nhân viên văn phòng chúng tôi vẫn phải làm, do đó mà chúng tôi không thể đạt những tiêu chí đưa ra", ông Nguyễn Văn Sứ - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thành cho biết.
Một quy định khác rất không khả thi là doanh nghiệp khi lập hồ sơ vay vốn, do phải chứng minh tài chính khó khăn nên e ngại ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có hiện tượng địa phương ngại trách nhiệm trong việc xác nhận hồ sơ của doanh nghiệp gởi Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Điều kiện hiện nay để doanh nghiệp vay được gói 16 nghìn tỷ đồng với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động theo quy định gồm:
- Có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên.
- Đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động từ ngày 1/4 đến hết 30/6/2020
Do thời gian giãn cách ngắn, Chính phủ kiểm soát dịch bệnh tốt, nhiều doanh nghiệp chỉ thực hiện cắt giảm giờ làm hoặc làm luân phiên chứ không cho người lao động ngừng việc hoàn toàn. Do đó, quy định nói trên phần lớn không có doanh nghiệp nào đáp ứng được.
- Ngoài ra, doanh nghiệp không có nợ xấu tại ngân hàng tại thời điểm 31/12/2019.
- Doanh nghiệp phải chứng minh đang gặp khó khăn về tài chính, không có nguồn thu...Nôm na là doanh nghiệp gần như phá sản, đóng cửa rồi thì mới được vay.
Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay cho rằng quy định doanh nghiệp không có nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2019 là rất khó khăn. Bởi lẽ, doanh nghiệp sẽ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết riêng với phía ngân hàng. Quy định như trên sẽ loại đi một tỷ lệ lớn doanh nghiệp được vay.
Các DN cho rằng điều kiện cho vay quá khó để có thể tiếp cận gói 16.000 tỷ đồng
Mới đây, Thủ tướng đã đồng ý cần điều chỉnh tiêu chí trong gói 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay đến hết tháng 12 năm nay. Cùng với đó là hối thúc trách nhiệm của từng bộ ngành, với vai trò đầu mối là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Việc đưa ra tiêu chí chưa sát với thực tế, rồi lại phải mất thời gian đi điều chỉnh rõ ràng đã làm giảm ý nghĩa cấp bách ban đầu của gói hỗ trợ.
Do khó khăn của dịch bệnh vượt khỏi dự đoán ban đầu hay do xa rời, chưa thực sự hiểu doanh nghiệp? Đây là câu hỏi cần được nghiêm túc nhìn nhận lại. Hơn nữa thực tế này cũng cho thấy khi mà những gói hỗ trợ cũ còn chưa hiệu quả thì việc đưa ra những gói hỗ trợ mới liệu có thực sự đem lại nhiều ý nghĩa...?
Để tìm hiểu chi tiết về những khó khăn về của doanh nghiệp khi tiếp cận gói 16.000 tỷ đồng, những cách điều chỉnh nào sao cho phù hợp với thực tế hơn... tất cả sẽ có trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 16/7.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!