Theo NYT, gói kích thích kinh tế bơm hàng nghìn tỷ USD cho người dân và doanh nghiệp Mỹ sẽ giúp nhiều nước hưởng lợi. Điều này có thể giúp châu Âu và các nước đang phát triển thoát khỏi tình trạng kinh tế kiệt quệ.
Theo báo này, người Mỹ mua nhiều hơn sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư. Khi đó nhu cầu đối với ô tô Đức, rượu vang Australia, phụ tùng ô tô Mexico hay thời trang Pháp được thúc đẩy.
WSJ đưa ra một vài con số chứng minh kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ sẽ mang lại lợi ích cho các nước. Ví như ngành công nghiệp phụ tùng ô tô của Thái Lan năm 2021 có thể đạt 22 tỷ USD doanh thu nhờ vào sự sôi động của thị trường ô tô tại Mỹ.
Công nhân làm việc trong một xưởng sản xuất ô tô ở Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Các gói kích thích kinh tế Mỹ còn mang lại lợi ích cho các tập đoàn Mỹ và nước ngoài. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc này đang tạo hố sâu ngăn cách giữa nước giàu và nước nghèo.
Theo Washington Post, Tập đoàn Alibaba đã huy động được 5 tỷ USD trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Mỹ tháng 3/2021 với lãi suất thấp là 2,1%. Hay một ngân hàng do Đức hậu thuẫn huy động được 1,75 tỉ USD với lãi suất dưới 1%.
Song nhiều quốc gia có thể bị bỏ lại phía sau. Số liệu ước tính, các thị trường mới nổi đã giảm 20% thu nhập bình quân đầu người, so với trước đại dịch. Theo NYT, các nước nghèo đang phải đối mặt với nguồn cung vaccine rất hạn chế và ít nguồn lực để hỗ trợ chi tiêu chính phủ. Khoảng 72 quốc gia đang mất khả năng trả nợ.
Các bài báo cũng cảnh báo gói kích thích mới của Mỹ có thể đẩy lạm phát lên cao và buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sớm tăng lãi suất cơ bản. Điều này có thể đẩy nhiều nước nghèo lún sâu thêm vào vũng lầy của các khoản nợ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!