“Gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng giúp tăng thanh khoản thị trường"

Thái Bảo-Thứ tư, ngày 10/04/2013 09:46 GMT+7

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Kimura (giữa) và chuyên gia kinh tế Mellor tại buổi công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á ngày 9/4 tại Hà Nội. Ảnh: Internet

 Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho bất động sản có thể đóng vai trò đáng kể trong việc tăng cường thanh khoản thị trường. Đó là quan điểm của ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB).

30.000 tỷ đồng là quy mô của gói tín dụng ưu đãi sắp được rót vào thị trường bất động sản. Vậy quan điểm của ADB về ý nghĩa của gói này với sự phục hồi của thị trường nhà đất là gì?

Ông Tomoyuki Kimura: Đó sẽ là bước đi tích cực, nó sẽ giúp người thu nhập thấp tiếp cận tốt hơn với nhà ở. Tất nhiên không hẳn gói 30.000 tỷ đồng sẽ giải quyết hoàn toàn những vấn đề của thị trường bất động sản, nhưng nó sẽ giúp hỗ trợ gián tiếp các doanh nghiệp BĐS thông qua việc tăng nhu cầu về nhà ở của người dân. Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương chuyển đổi căn hộ thương mại sang căn hộ diện tích nhỏ, điều này còn phụ thuộc vào năng lực của chủ đầu tư, tuy nhiên chúng tôi cho là chủ trương này có thể giúp tăng thanh khoản thị trường, ít nhất là về số lượng căn hộ được bán ra.

Ông có đánh giá gì về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cũng như NHNN trong quá trình giải quyết nợ xấu?

Ông Tomoyuki Kimura: Trong năm ngoái và cả đầu năm nay, Chính phủ và NHNN đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu ngân hàng bao gồm: sáp nhập hay tái cấp vốn các ngân hàng, cũng như thành lập một công ty quản lý tài sản để mua lại các khoản nợ xấu từ các ngân hàng thương mại. Mô hình này đã từng thành công ở nhiều nước trong quản lý nợ xấu. Trong điều kiện Việt Nam thì việc đảm bảo đủ kinh phí để hoạt động là yếu tố thiết yếu cho sự thành công của mô hình này, bên cạnh một quy trình định giá tài sản minh bạch và hành lang pháp lý về phá sản với năng lực xử lý nợ xấu được cải thiện.

Cũng đã có quy định yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tăng trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ xấu và báo cáo về tình hình phân loại nợ vào tháng 6/2013. Việc tuân thủ quy định này có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến, vì các ngân hàng cần phải nâng cấp hệ thống kế toán của họ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước