Dự báo mới nhất của Goldman Sachs hiện thấp hơn mục tiêu tăng trưởng "khoảng 5,5%" mà chính phủ Trung Quốc dự kiến cho năm 2022, được công bố vào tháng Ba.
"Với những thiệt hại vì đại dịch COVID-19 trong quý 2 cho nền kinh tế, chúng tôi dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc sẽ là 4% trong năm nay (so với 4,5% trước đây)", nhóm chuyên gia của Goldman Sachs ghi chú trong báo cáo vừa được phá hành.
Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống còn 4% (Ảnh: AP)
Dự đoán này được các nhóm chuyên gia đưa trên cơ sở những giải pháp hỗ trợ đáng kể từ Chính phủ Trung Quốc, bên cạnh các biện pháp ổn định thị trường bất động sản và kiểm soát sự bùng phát của làn sóng COVID-19 mới.
Kể từ tháng 3, Trung Quốc đại lục đã phải vật lộn để kiềm chế đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất trong hai năm. Đáng chú ý, một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc, Thượng Hải mới đặt mục tiêu mở cửa trên diện rộng và cho phép cuộc sống bình thường trở lại từ ngày 1/6.
Thành phố này kế hoạch tăng dần các chuyến bay nội địa, dịch vụ đường sắt, và từ ngày 16/5 sẽ bắt đầu mở cửa trở lại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi…
Theo số liệu công bố vào ngày 16/5 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, doanh số bán lẻ tháng 4 tại nước này đã giảm đến 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu công bố vào ngày 16/5 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, doanh số bán lẻ tháng 4 tại nước này đã giảm đến 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này bỏ xa dự báo thăm dò của Reuters là 6,1%. Sản xuất công nghiệp giảm 2,9%, trái ngược với kỳ vọng tăng nhẹ 0,4%.
Cũng theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp ở 31 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã tăng lên mức cao mới là 6,7% vào tháng 4, theo dữ liệu từ ít nhất đến năm 2018.
Tỷ lệ thất nghiệp ở các thành phố đã tăng 0,3 điểm % so với tháng 3 lên 6,1% vào tháng 4. Tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 16 đến 24 tuổi đã lên mức 18,2%. Các dữ liệu khác cũng cho thấy sự sụt giảm nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình và doanh nghiệp.
COVID-19 đang tác động đáng kể đến kinh tế Trung Quốc năm 2022
Trong những con số thống kê cho thấy sự lao đao của kinh tế Trung Quốc vì COVID-19, nhóm phân tích của Goldman đã chỉ những con số đáng chú ý: sự sụt giảm về doanh số bán nhà ở hay mức tăng trưởng tín dụng bằng một nửa mức mà thị trường mong đợi.
"Dữ liệu yếu cho thấy đang có sự "cạnh tranh căng thẳng" giữa mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc và chính sách Zero-COVID, vốn là cốt lõi của triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế nước này", nhóm phân tích của Goldman cho hay.
Báo cáo của Goldman Sachs cũng dự báo việc Trung Quốc mở cửa trở sẽ không bắt đầu trước quý 2 năm 2023. "Quá trình này sẽ diễn ra dần dần và có kiểm soát hơn", báo cáo cho hay.
"Đây là lý do tại sao dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 của chúng tôi chỉ tăng lên 5,3% (so với 5,0% trước đó) mặc dù điều chỉnh giảm nửa điểm phẩn trăm so với dự báo tăng trưởng cả năm 2022", nhóm chuyên gia cho hay.
Tương tự như Goldman Sachs, một ngân hàng lớn khác là Citi - công ty có dự báo GDP Trung Quốc cao nhất - đã hạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ 5,1% xuống 4,2%.
Vài ngày trước đó, JPMorgan cũng hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc từ 4,6% xuống 4,3%. Morgan Stanley cũng có động thái tương tự khi công bố con số giảm từ 4,6% xuống 4,2%.
Thượng Hải đặt mục tiêu trở lại cuộc sống bình thường từ ngày 1/6
Tại cuộc họp báo trực tuyến diễn ra vào ngày 16/5, lãnh đạo thành phố Thượng Hải Tống Minh đặt mục tiêu trở lại cuộc sống bình thường từ ngày 1/6, sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Cũng tại cuộc họp báo, lãnh đạo thành phố Thượng Hải cũng cho biết thêm, trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà thuốc được mở cửa để người dân mua sắm có kiểm soát. Các chợ truyền thông, dịch vụ cắt tóc mở hạn chế hơn.
Thượng Hải đặt mục tiêu trở lại cuộc sống bình thường từ ngày 1/6 (Ảnh: Reuters)
Thành phố cũng tiếp tục ban hành "Danh sách trắng" các doanh nghiệp ngoại thương trọng điểm được hoạt động trở lại với 704 doanh nghiệp hàng hóa - dịch vụ, cung cấp dịch vụ cảng, trụ sở chính của công ty nước ngoài để đảm bảo hàng hóa, dịch vụ logistic không bị gián đoạn.
Chính quyền thành phố cũng mở những kênh liên lạc với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, tổng lãnh sự quán các nước để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài khôi phục sản xuất.
Thượng Hải sẽ dỡ bỏ bớt các hạn chế, cho phép người dân ở những khu vực không có ca bệnh trong cộng đồng được đi lại trong nội khu. Nếu sau một tuần không có ca bệnh mới, thành phố sẽ nới tiếp các biện pháp phong tỏa.
Thượng Hải tiến dần tới quản lý dịch bệnh thông thường theo cấp độ nguy cơ cao, trung bình và thấp. Gần 10.000 điểm xét nghiệm là công cụ để thành phố này quản lý dịch bệnh trong tình hình mới bằng các quy định về xét nghiệm khi đi vào nơi đông người cũng như khi ra vào thành phố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!