Gửi tiết kiệm tại ngân hàng nào "hời" nhất?

PV-Thứ sáu, ngày 04/12/2020 09:26 GMT+7

VTV.vn - Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm khi mà các ngân hàng đua nhau giảm lãi suất huy động trong thời gian gần đây.

Lãi suất tiếp tục lao dốc

Ngay trong đầu tháng 12, ba ông lớn của ngành ngân hàng là BIDV, Agribank, VietinBank đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm tại nhiều kỳ hạn. 

Theo đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) vừa áp dụng biểu lãi suất huy động mới nhất theo hướng giảm tiếp ở các kỳ hạn. Mức giảm từ 0,1 - 0,2 điểm % so với biểu lãi suất trong tháng 11.

Cụ thể, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 - 2 tháng giảm về 3,1%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng còn 3,4%/năm; kỳ hạn từ 6 - 11 tháng 4%/năm. Hiện mức lãi suất gửi cao nhất tại Vietinbank chỉ còn 5,6%/năm cho các kỳ hạn dài từ 12 - 36 tháng, thay vì mức 5,8%/năm như trước đó.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng điều chỉnh lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn theo hướng giảm. Mức giảm cao nhất ở lần điều chỉnh này là 0,2 điểm % so với biểu lãi suất trước. Theo đó, lãi suất tiền gửi từ 1 - 2 tháng còn 3,1%/năm; kỳ hạn từ 6 - 9 tháng còn 4%/năm và mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này cũng chỉ còn 5,6%/năm cho khách gửi từ 12 - 36 tháng.

Một "ông lớn" ngân hàng khác cũng tham gia vào làn sóng hạ lãi suất tiền gửi đợt này là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Khách gửi tiết kiệm kỳ hạn 6-11 tháng được hưởng lãi suất 4%/năm; kỳ hạn từ 12-24 tháng lãi suất 5,6%/năm…, giảm 0,2 điểm % so với biểu lãi suất trước đó.

Vietcombank – ngân hàng còn lại trong nhóm "Big 4" vẫn giữ nguyên mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một năm ở 5,8%, nhưng giảm 0,2 điểm % với kỳ hạn dài 24 tháng và 36 tháng xuống lần lượt 5,7% và 5,4%. Hiện nay, mức lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy của Vietcombank theo niêm yết là 5,8% với kỳ hạn 12 tháng.

Gửi tiết kiệm tại ngân hàng nào hời nhất? - Ảnh 1.

Xu hướng giảm lãi suất huy động tiếp tục được các ngân hàng thực hiện

Trước đó vào giữa tháng 11, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4,5%/năm; lãi suất cho vay bằng USD phổ biến ở mức 3,0 - 4,5%/năm cho ngắn hạn và từ 4,2 - 6%/năm cho trung, dài hạn.

Nhìn chung hiện lãi suất cho vay đang ở mức thấp chưa từng có và đã giảm 2,5 điểm phần trăm so với thời điểm năm 2016.

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào đang cao nhất?

Theo thống kê, trên thị trường hiện nay, lãi suất huy động cao nhất đang được công bố là 8,4%/năm tại Eximbank với các khoản tiền gửi có giá trị trên 500 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng hoặc 24 tháng và 7,2% với kỳ hạn 12 tháng.

Sau Eximbank, Ngân hàng Phương Đông (OCB) có lãi suất cho khoản tiền gửi từ kỳ hạn 13 tháng với giá trị trên 500 tỷ đồng là 8,2%/năm. Với Maritime Bank (MSB), lãi suất với kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng cho khoản tiền gửi trên 200 tỷ đồng là 8,0%, trong khi dưới 200 tỷ là 6,4%/năm.

Một số ngân hàng khác có lãi suất tiền gửi cao đáng chú ý khác như LienVietPostBank - 7,9%/năm, Ngân hàng Bản Việt - 7,5%/năm, Ngân hàng Á châu (ACB) - 7,4%/năm, Ngân hàng Quốc dân (NCB) - 7,3%/năm, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) - 7,3%/năm...

Người dân rút tiền tại ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp?

Đây là câu hỏi được đặt ra với đại diện Ngân hàng Nhà nước trong phiên Họp báo Chính phủ hôm 2/12 vừa qua.

Trả lời câu hỏi này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, do lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm, người gửi tiền đã rút tiền ra mua trái phiếu doanh nghiệp. Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã biết việc này và việc rút tiền của người gửi tiền ra đầu tư cái gì là do quyền của người gửi tiền. Cùng đó, việc đầu tư mua trái phiếu bao nhiêu cũng là do các nhà đầu tư.

Gửi tiết kiệm tại ngân hàng nào hời nhất? - Ảnh 2.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết tiền gửi huy động của các ngân hàng thương mại vẫn tăng, nên việc rút ra vẫn ít hơn so với người gửi vào trong những tháng gần đây

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, hiện nay việc tăng trưởng tiền gửi 10 tháng của năm vẫn là 10,65%, tăng nhanh hơn cả chỉ số tín dụng của nền kinh tế.

"Những tháng gần đây, tiền gửi huy động của các ngân hàng thương mại vẫn tăng, nên việc rút ra vẫn ít hơn so với người gửi vào.

Còn việc nhà đầu tư là người dân rút tiền ra để cho vào trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định cũng như các văn bản hướng dẫn đều theo tinh thần là hạn chế nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ, làm sao để việc mua trái phiếu đó đảm bảo an toàn cho cả doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu của mình", ông Tú cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước