Giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Thành phố sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ dành gần 2.000 tỷ đồng, bao gồm hơn 900 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố bổ sung năm 2022 và hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn thu hồi cho vay quay vòng để hỗ trợ cho vay đối với các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn nhằm khôi phục kinh tế.
Nguồn vốn trên được ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, các ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã nhằm phân bổ vốn đúng đối tượng, đúng mục đích cho vay, tránh trùng lặp với các chương trình hỗ trợ có liên quan của trung ương và thành phố.
Để nguồn vốn "chảy" nhanh đến với các đối tượng trên, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ngành, cơ quan liên quan và tổ chức chính trị - xã hội hoàn thiện hồ sơ cho vay, triển khai giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện thị xã có trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu kế hoạch đến các xã, phường, thị trấn và chỉ đạo tổ chức triển khai cho các đối tượng theo quy định được vay vốn nhanh chóng, tiện lợi.
Đáng chú ý, Hà Nội sẽ triển khai hiệu quả gói tín dụng ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động vay để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; đẩy mạnh triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!