Hà Nội đề xuất hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm

TTXVN-Thứ ba, ngày 30/06/2020 14:39 GMT+7

Sản xuất hàng may mặc tại Tổng Công ty May 10 – một đơn vị của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Thành phố Hà Nội đã đề xuất hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm, đó là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm của Hà Nội sẽ tăng 5,9% hoặc 5,4%.

Sáng 30/6, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI tiến hành Hội nghị lần thứ 24, xem xét, thông qua 5 nội dung quan trọng, trong đó có báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tình hình thực hiện ngân sách thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ cùng các Phó Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị.

Trên cơ sở những kết quả kinh tế - xã hội nổi bật mà thành phố Hà Nội đạt được trong 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh phải tập trung chống dịch COVID-19 và thực hiện nhiều công việc quan trọng cùng một lúc, thành phố Hà Nội đã đề xuất hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm, đó là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm của Hà Nội sẽ tăng 5,9% hoặc 5,4%. Thành phố đưa ra 9 nhóm giải pháp cụ thể nhằm thực hiện các kịch bản đã đề ra.

Hà Nội đề xuất hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm - Ảnh 1.

TP Hà Nội đặt mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm sẽ tăng 5,9% hoặc 5,4%.

Khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, quán triệt tinh thần, Hà Nội tiên phong, gương mẫu và chiến thắng dịch COVID-19, Hà Nội sẽ tiên phong, gương mẫu và quyết tâm chiến thắng trên mặt trận phục hồi kinh tế. Hơn 70 ngày qua, địa bàn thành phố không có ca nhiễm ngoài cộng đồng, đại dịch COVID-19 đã được khống chế.

"Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng, tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của thành phố. Kinh tế Thủ đô giảm sâu trong tháng 4, phục hồi trở lại giữa tháng 5 và tăng trưởng khá mạnh vào tháng 6. Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 3,39%. Đây là mức tăng trưởng khá cao, cao hơn khá nhiều so bình quân chung của cả nước (1,81%) và trong điều kiện tăng trưởng chung toàn cầu dự báo âm 4,9% theo dự báo mới nhất của IMF. Công tác chỉ đạo, điều hành tài chính, ngân sách khá hiệu quả, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt khá, ước thực hiện 142.013 tỷ đồng, đạt 50,9% dự toán, tăng 9,9% so với cùng kỳ; chi ngân sách địa phương ước thực hiện 34.213 tỷ đồng, đạt 33,2% dự toán, tăng 21,5%; giải ngân vốn đầu tư toàn thành phố 14.826 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch, tăng 64,4% so với cùng kỳ; đáp ứng nhiệm vụ thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn chi đầu tư phát triển và phòng, chống, khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19", Bí thư Thành ủy Hà Hội đưa ra những con số Hà Nội đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phân tích, có được những kết quả trên là do ngay từ đầu năm, thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách, nhất là xử lý các khoản nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất… Trong đó, thành phố chỉ đạo điều hành chi ngân sách đúng quy định, tiết kiệm, đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên cũng như đột xuất, nhất là các khoản chi hỗ trợ an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp theo các nghị định, nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội. Thành phố chỉ đạo các địa phương thực hiện cắt giảm thêm ít nhất 5% dự toán chi thường xuyên còn lại của 9 tháng cuối năm 2020 (ngoài số tiết kiệm 10% dành nguồn cải cách tiền lương giao đầu năm) để dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội...

Hà Nội đề xuất hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm - Ảnh 2.

Đại dịch COVID-19 ở Việt Nam đã được kiểm soát nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp. Kinh tế cả nước và Thủ đô các tháng còn lại của năm 2020 sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị Thành ủy tập trung hiến kế, đề xuất giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế Thủ đô trong điều kiện hiện nay.

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, bên cạnh những kết quả trên, môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn thành phố được tập trung cải thiện, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, đối thoại, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19. Đặc biệt, Hà Nội đã tổ chức thành công Hội nghị "Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển". Tại hội nghị, thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, có tổng số vốn 405.570 tỷ đồng với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng.

Tại phiên thảo luận, các ý kiến tham luận đã đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố, đặc biệt là sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của Thường trực Thành ủy trong việc thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tóm lược những ý kiến tham luận của các đại biểu; đồng thời, trực tiếp giải thích về những đề xuất của các đại biểu liên quan đến công tác cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, cải tạo chung cư cũ, giải ngân vốn đầu tư công…

Hội nghị đã xem xét, thông qua 4 nội dung quan trọng khác, gồm: Báo cáo công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Thành ủy; chủ trương điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại ô đất công viên, hồ điều hòa thuộc khu vực Dự án phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố (lần thứ ba) và thực hiện công tác cán bộ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước