Với động thái gây tranh cãi này, Hạ viện do phía đảng Cộng hoà kiểm soát đã đạt được một bước tiến đáng kể, trong việc thúc đẩy bãi bỏ chính sách kiểm soát ngân hàng được Chính phủ tiền nhiệm của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Đạo luật Dodd-Frank ra đời năm 2010 được coi là bước cải cách thị trường tài chính sâu rộng nhất tại Mỹ từ sau cuộc đại suy thoái những năm 1930. Đạo luật này bao quát và tu chỉnh hầu hết những vấn đề trọng yếu của thị trường tài chính Phố Wall, nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đảm bảo nguyên tắc thị trường và bảo vệ người tiêu dùng Mỹ tốt hơn. Do đó, việc thực thi đạo luật được kỳ vọng sẽ giúp hệ thống ngân hàng Mỹ trở nên an toàn hơn, ngăn chặn những vụ kinh doanh mờ ám đã làm rối loạn nền kinh tế Mỹ và gây thiệt hại cho người dân.
Tuy nhiên, theo phe Cộng hòa, những quy định và điều khoản của đạo luật Dodd-Frank đã khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ khó tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư. Bằng các sửa đổi như nới lỏng các tiêu chuẩn kiểm tra đối với các ngân hàng, đặc biệt là xem xét loại bỏ việc bảo vệ tài chính người tiêu dùng, Chính phủ của Tổng thống Donald Trump kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động.
Theo ước tính của Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ, đạo luật mới sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách liên bang 24,1 tỷ USD trong vòng một thập kỷ tới.
Tuy nhiên, động thái này đang vấp phải không ít ý kiến phản đối và bị cho là một tai họa đối với người lao động Mỹ
Dự luật trên vẫn sẽ cần phải chờ Thượng viện Mỹ thông qua trong thời gian tới. Tuy nhiên, quá trình này được cho là sẽ không hề dễ dàng, bởi dự luật cần nhận được sự ủng hộ của cả các nghị sỹ đảng Dân chủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!