Ham rẻ, cả tin, nhiều người ăn "trái đắng" khi mua hàng qua Facebook

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 14/08/2020 20:03 GMT+7

VTV.vn - Ham rẻ, cả tin, nhiều khách hàng đã bị các shop bán hàng online trên Facebook lừa mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Một người tiêu dùng lặn lội từ Hà Nội vào TP.HCM để đâm đơn tố cáo một shop bán hàng online đã bán cho cô chuỗi vòng cổ được quảng cáo là đá ruby Nam Phi. Quảng cáo là đá ruby, nhưng hầu như là hạt nhựa, khi đốt, hạt này bốc cháy khét lẹt.

Tin vào những lời giới thiệu của một chủ trang Facebook qua livestream, nhiều người đã mua qua mạng hàng chục triệu tiền hàng. Kết quả, khi nhận khách hàng mới phát hiện hàng hóa chất lượng kém, hoàn toàn không giống như quảng cáo.

"Trên live mình thấy chuỗi vòng rất đẹp, lung linh. Mình chốt mua xong đến lúc nhận mình thấy nó như vòng nhựa, mình hỏi thì bạn ấy bảo đây là đá ruby Nam Phi, bao kiểm định" - chị Nguyễn Thị Chung, Hà Nội, cho biết.

Ham rẻ, cả tin, nhiều người ăn trái đắng khi mua hàng qua Facebook - Ảnh 1.

Tin vào lời giới thiệu của một chủ trang Facebook qua livestream, nhiều người đã mua qua mạng hàng chục triệu tiền hàng.

Chị Chung đã mang đá ruby đi kiểm định. Kết quả, một công ty chuyên kiểm định đá quý của SJC xác nhận đây không phải ngọc hay đá tự nhiên. Thử bằng cách trực quan hơn, thứ gọi là đá ruby Nam Phi đã bốc cháy ngùn ngụt, tỏa khói đen sì và mùi khét như hạt nhựa.

Đến nay, tổng cộng 13 người cùng ký đơn gửi cơ quan chức năng để tố cáo shop 2hand Fashion bán hàng giả, lừa dối khách hàng. Trên Facebook, một nhóm hơn 5.000 thành viên đã công khai tẩy chay shop này với các cáo buộc tương tự.

Ham rẻ, cả tin, nhiều người ăn trái đắng khi mua hàng qua Facebook - Ảnh 2.

Quảng cáo là đá ruby, nhưng hầu như là hạt nhựa, khi đốt, hạt này bốc cháy khét lẹt.

Theo lời các khách hàng, phóng viên tìm đến địa chỉ của shop 2hand Fashions, nNhưng đây chỉ là căn nhà riêng trong một hẻm nhỏ không bảng hiệu, không cửa hàng. Liên hệ qua số điện thoại đăng trên mạng, chủ shop thừa nhận có biết các vụ kiện cáo của khách hàng, nhưng từ chối tiếp xúc báo chí.

Ham rẻ, cả tin, các khách hàng đã nhiều lần liên hệ đòi trả hàng nhưng không được, có chăng chỉ là những giọt nước mắt ấm ức và thêm những bài học mới.

Cẩn trọng giao dịch trên mạng

Đây là câu chuyện điển hình cho việc mua hàng online qua mạng xã hội, qua những video livestream quảng cáo, nhưng không phải là duy nhất. Thời công nghệ, khi thương mại điện tử và các hình thức buôn bán trên mạng xã hội bùng phát, các hành vi bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cũng xuất hiện ngày càng nhiều.

Không thể phủ nhận, hiện mua bán qua mạng mang lại nhiều lợi ích. Giao dịch mua bán qua mạng đang ngày càng phổ biến, nhất là tại các thành phố lớn trong bối cảnh dịch như hiện nay.

Theo khảo sát của Sở Công Thương TP.HCM vào năm 2019, trong các giao dịch thương mại điện tử, người dân sử dụng mạng xã hội như Facebook để mua sắm chiếm tới 61,4%, cao hơn nhiều so với mua bán qua các website hay sàn thương mại điện tử uy tín.

Trung bình 1 năm, một hộ dân TP.HCM bỏ ra khoảng 13,4 triệu đồng để mua các loại hàng hóa thông qua mạng. Trong đó, mỗi hộ dân ở thành phố này đã bỏ ra 6,5 triệu để mua sắm qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo hay là Instagram...

Ham rẻ, cả tin, nhiều người ăn trái đắng khi mua hàng qua Facebook - Ảnh 3.

Khi thương mại điện tử và các hình thức buôn bán trên mạng xã hội bùng phát, các hành vi bán hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều.

Tiện lợi cũng phát sinh nhiều hệ lụy. Tình trạng "treo đầu dê bán thịt chó", buôn bán không có tâm đang đầy rẫy trên mạng. Không nhưng mua phải hàng giả, nhiều người tiêu dùng còn mua phải thuốc giả, thực phẩm giả. Điều tra của phóng viên VTV từng vạch trần các cơ sở bán thuốc rởm ở Hà Nội, thuê cả các đơn vị tư nhân làm phóng sự và gắn mác Đài Truyền hình Việt Nam và nhiều báo đài uy tín để mạo danh quảng bá trên mạng.

Trong khi đó, các vụ buôn bán hàng giả càng phổ biến. Mới tuần trước, ngành chức năng Bà Rịa - Vũng Tàu vừa bắt một kho hàng 300m2 với cả trăm ngàn sản phẩm là hàng giả các thương hiệu nổi tiếng. Cửa hàng này có cả phòng riêng với nhiều nhân viên chuyên livestream bán trên mạng.

Trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai cũng từng phát hiện một kho hàng 10.000 m2, chuyên bán bằng hình thức livestream qua Facebook. Tổng giao dịch ước tính đến 600 tỷ đồng, doanh thu hàng tháng lên tới 10 tỷ đồng, nhưng theo cơ quan công an, ơ bản đều là hàng giả, hàng lậu.

Buôn bán hàng giả trên mạng bị xử lý thế nào?

Pháp luật quy định rõ, hành vi buôn bán hàng giả có thể bị xử phạt hành chính và nặng hơn nữa có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Nghị định số 185 năm 2013 của Chính phủ nêu rõ: với cá nhân, mức xử phạt từ 500.000 - 50 triệu đồng; đối với hành vi buôn bán hàng giả, tùy số lượng; với tổ chức, mức phạt gấp đôi.

Trường hợp vi phạm nhiều lần, bán hàng giả trị giá từ 30 triệu đồng trở lên, hoặc thu lợi bất chính trên 50 triệu đồng có thể bị truy tố theo điều 192 của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, nếu người tiêu dùng chứng minh được hành vi lừa đảo, thì các chủ shop còn có thể bị xử lý tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với các mức hình phạt cao hơn nhiều.

TP.HCM thu giữ hàng trăm ngàn khẩu trang 3M giả nhãn hiệu TP.HCM thu giữ hàng trăm ngàn khẩu trang 3M giả nhãn hiệu

VTV.vn - Ngành chức năng TP.HCM đã kiểm tra đột xuất và thu giữ khoảng 150.000 khẩu trang 3M giả nhãn hiệu tại công ty TNHH Nam Anh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước