Khoảng trống pháp lý trong giả mạo hàng "made in Việt Nam"

Khánh Huyền - Quỳnh Anh-Thứ năm, ngày 23/07/2020 17:27 GMT+7

VTV.vn - Doanh nghiệp thu mua gom linh kiện từ nhiều nơi, không đủ hàm lượng "Made in Việt Nam", nhưng vẫn được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam.

Không đủ điều kiện vẫn được cấp C/O

Tại buổi Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia được tổ chức vào sáng nay (23/7), ông Nguyễn Văn Cẩn cho hay, Cơ quan Hải quan đã kiến nghị Bộ Công thương và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI, 2 đơn vị được cấp C/O cho hàng xuất khẩu Việt Nam, bước đầu thu hồi C/O với 280 vụ cấp không đúng.  

Khoảng trống pháp lý trong giả mạo hàng made in Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục trưởng Hải quan Việt Nam.

"Với trường hợp doanh nghiệp sản xuất gỗ ván ép, C/O ghi đủ điều kiện xuất xứ Việt Nam. Nhưng khi xác minh, gỗ ép được mua từ người này sang người khác với xác nhận của Chủ tịch xã, và giám đốc nông trường. Nhưng khi xác minh lại với xã, chủ tịch xã lại báo trót nhận tiền của doanh nghiệp nên ký chứ thực chất nhà này không có gỗ, lâm trường không có, cũng không có nhà xưởng", ông Cẩn chia sẻ.

Sau đó, các doanh nghiệp phải chấp nhận vi phạm vì sản phẩm không đủ hàm lượng được nhận xuất xứ Việt Nam theo quy định.

Doanh nghiệp tự làm giả C/O

Liên quan đến lĩnh vực giả mạo xuất xứ Việt Nam, Tổng cục Hải quan cũng vừa phát hiện 1 trường hợp không được cấp có thẩm quyền cho phép cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O, giả mạo xuất xứ Việt Nam cho 33 doanh nghiệp xuất khẩu, trị giá tổng hàng hóa lên tới 600 tỷ đồng. Trường hợp này là công ty Cổ phần Giám định Đại Minh Việt (có trụ sở chính tại quận 9, TP. HCM). 

Lợi dụng danh nghĩa hội viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), công ty Đại Minh Việt đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho nhiều doanh nghiệp. Công ty này đã tự thiết kế mẫu C/O; nhận thông tin về các lô hàng xuất khẩu để phát hành giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O. Sau đó, thu từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng cho 1 C/O phát hành; tổng số tiền thu lợi bất chính bước đầu xác định khoảng trên 300 triệu đồng. 

Khoảng trống pháp lý trong giả mạo hàng made in Việt Nam - Ảnh 2.

Giấy tờ thu mua gỗ ép không minh bạch.

Cụ thể, từ đầu năm 2018 đến nay, công ty này đã cấp C/O cho khoảng 33 doanh nghiệp. Hàng hóa có nhiều chủng loại khác nhau như thép, nông sản, thủy sản, đồ gỗ, than củi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, đồ gia dụng … Số lượng hàng hóa được các công ty này xuất khẩu cho các đối tác ở 27 quốc gia và vùng lãnh thổ trị giá trên 600 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, 33 doanh nghiệp mà Đại Minh Việt cấp C/O đều là những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, linh kiện từ ngước ngoài về gia công, lắp ráp, không đủ tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam. 

"Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với lực lượng cảnh sát kinh tế và Viện kiểm soát để chuẩn bị đưa ra khởi tố vụ án, khởi tố bị can vụ việc này", ông Cẩn khẳng định.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2020 đến nay, qua điều tra xác minh 76 vụ việc, có đến 1/3 vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu. Các lĩnh vực có vi phạm nhiều nhất như lắp ráp xe đạp, xe đạp điện, sản xuất pin năng lượng mặt trời, nhóm mặt hàng gỗ, đồ gỗ nội thất từ gỗ.

Khoảng trống pháp lý về giả mạo xuất xứ hàng sản xuất trong nước

Khoảng trống pháp lý trong giả mạo hàng made in Việt Nam - Ảnh 3.

Cơ quan chức năng đã phát hiện 280 vụ việc không đủ điều kiện để gắn mác "Made in Việt Nam", nhưng vẫn được cơ quan chức năng cấp C/O.

Hiện nay, tình trạng giả mạo xuất xứ Việt Nam đang có chiều hướng tăng lên. Đặc biệt là tình trạng hàng của nước ngoài nhưng ghi trên bao bì "Made in Việt Nam". Ông Nguyễn Văn Cẩn cho hay đối với tình trạng vi phạm này, cơ quan Hải quan đã xử lý ngay tại cửa khẩu, nhưng việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn, còn khoảng trống về mặt pháp lý. Do hiện nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về "Made in Việt Nam" cho hàng sản xuất trong nước, mới chỉ có quy định cho hàng hóa xuất khẩu. 

"Chúng tôi kiến nghị trong lúc chờ đợi 1 bản pháp lý hoàn thiện, chúng ta nên quy định "Made in Việt Nam" cho hàng hóa Việt Nam cũng giống như quy định cho hàng hóa xuất khẩu hiện nay đang áp dụng." Ông Cẩn nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước