Hạn chế giao, cho thuê đất không qua đấu thầu, đấu giá

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 16/07/2022 06:06 GMT+7

VTV.vn - Giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu thầu đấu giá… điểm mới này của Nghị quyết 18 được nhận định là sẽ đánh thẳng vào tình trạng ôm đất dự án rồi bỏ hoang.

Trong nhiều năm qua, tình trạng đất dự án bị bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực xã hội có thể bắt gặp ở nhiều địa phương trên cả nước. Với Nghị quyết "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực khi được thể chế hóa thành pháp luật. Nghị quyết đã đưa ra nhiều điểm mới đột phá, trong đó có chủ trương hạn chế giao đất, cho thuê đất không qua đấu thầu đấu giá.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thành phố có hơn 400 dự án chậm đưa đất vào sử dụng hàng thập kỷ, có dự án treo gần 30 năm. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do giao đất không qua đấu thầu đấu giá, không thẩm định được năng lực của chủ đầu tư.

Ông Trịnh Việt Dân - Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cho hay: "Chậm triển khai đưa đất vào sử dụng theo quy định là vi phạm quy định của pháp luật. Nó có những ảnh hưởng đó là gây việc sử dụng đất không có hiệu quả theo quy định của pháp luật và gây bức xúc trong dư luận khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đồng thời tạo không công bằng đối với những dự án tổ chức thực hiện theo đúng tiến độ".

Hạn chế giao, cho thuê đất không qua đấu thầu, đấu giá - Ảnh 1.

Trên phạm vi cả nước, có tới trên 3.200 dự án chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích lên tới trên 85.200 ha. Ảnh minh họa.

Đất dự án bỏ hoang lãng phí nhưng việc thu hồi rất chậm do công tác quản lý nhà nước còn yếu kém. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, 10 năm qua, có chưa tới 10 dự án chậm tiến độ ở thành phố bị thu hồi.

"Người ta phải bỏ ra chi phí rất lớn nhưng cũng chưa thu hồi được gì, nhà nước lại thu giấy phép của họ thì chắc chắn khoản đầu tư không có cách nào để bù đắp được. Vì vậy cũng bằng các  mối quan hệ người ta xin lùi lại dự án", Luật sư Vũ Mạnh Hùng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trên phạm vi cả nước, có tới trên 3.200 dự án chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích lên tới trên 85.200 ha. Trong tình hình đó, Nghị quyết 18 ra đời đặt ra nhiệm vụ, giải pháp giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá, đầu thầu đất đai. Điều này được kỳ vọng sẽ ngăn chặn tình trạng bỏ hoàng đất dự án.

Luật sư Huỳnh Phương Nam - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội đánh giá: "Phải áp dụng cơ chế đấu giá như vậy mới hạn chế được việc lợi dụng chỉ định, tạo điều kiện cho những nhà đầu tư không thuộc đối tượng và tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, tránh tạo ra việc tham nhũng lãng phí".

"Cái chủ trương Nghị quyết tôi nghĩ rằng là đúng hướng. Là những vấn đề mà các chuyên gia và cả thế giới người ta đã làm nhưng đi vào cụ thể điều luật quy định cho các giải pháp như thế nào thì đó mới là vấn đề", Luật sư Trương Thanh Đức - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết.

Giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu thầu đấu giá… điểm mới này của Nghị quyết 18 được nhận định là sẽ đánh thẳng vào tình trạng ôm đất dự án rồi bỏ hoang. Song để Nghị quyết đi vào cuộc sống, cần phải khẩn trương cụ thể bằng luật, bằng chính sách và triển khai nhanh chóng ở cấp địa phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước