Thẻ tín dụng credit card là loại thẻ ngân hàng được sử dụng rộng rãi do tính thuận tiện trong mua sắm và thường đi kèm với nhiều ưu đãi.
Khi chi tiêu qua thẻ, nếu không có đủ tiền trong tài khoản, người tiêu dùng vẫn có thể thanh toán nhờ một khoản vay ngắn hạn nhất định gọi là hạn mức tín dụng, được ngân hàng hay nhà cung cấp thẻ quy định.
Tiện lợi là vậy, tuy nhiên chính khoản vay này đôi khi lại trở thành con dao hai lưỡi. Một thống kê mới đây tại Anh cho thấy, các nhà cung cấp thẻ đang có dấu hiệu tăng ngầm hạn mức tín dụng, gây những khoản nợ không đáng có cho người tiêu dùng.
Theo một khảo sát từ tổ chức tư vấn Citizens Advice được đăng tải trên tờ Độc lập cho biết, cứ khoảng 5 người Anh đang gặp khó khăn về nợ tín dụng thì có 1 người tự động bị tăng hạn mức tín dụng dù chưa nhận được thông báo. Chủ nhân của các khoản nợ tín dụng dài hạn có nhiều khả năng bị gia tăng hạn mức hơn. Tình trạng này cũng thêm nghiêm trọng trong bối cảnh nền kinh tế Anh vốn đã chịu tác động từ việc thu nhập người dân không theo kịp với mức độ lạm phát.
Thống kê từ Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho thấy, tổng số tiền vay mượn qua thẻ tín dụng, các khoản vay không đảm bảo và chi tiêu vượt mức của người dân đã tăng 10% tính đến tháng 7. Con số này đã chạm ngưỡng 200 tỷ Bảng, lần đầu tiên kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Để dễ hình dung, BBC đưa ra một ví dụ cụ thể về vấn đề này. Một kỹ sư công nghệ thông tin vướng vào nợ nần vài năm về trước, với tổng nợ khoảng 35.000 Bảng trên 3 thẻ tín dụng. Một phần lý do được vị kỹ sư cho biết là dường như không có giới hạn cho các khoản vay từ ngân hàng. Hạn mức tín dụng được tự động gia tăng, mặc dù không có sự đề nghị từ phía người sử dụng.
Cơ quan kiểm soát tài chính Anh FCA cho rằng, các đơn vị cho vay không có động thái thông báo khi tăng hạn mức, vì có thể thu thêm lợi nhuận từ những người dùng thẻ thường xuyên rơi vào các khoản nợ. Ước tính, tại Anh có khoảng 3,3 triệu người thuộc vào diện này, với khoảng hơn một nửa nằm trong vòng xoáy nợ tín dụng trong khoảng thời gian 36 tháng liên tiếp.
Theo tờ Người Bảo vệ, FCA cũng đã có những can thiệp nhất định, khi tiến tới bắt buộc các tổ chức liên quan phải thông báo cho khách hàng về các khoản nợ sau 18 tháng. Nếu gấp đôi kỳ hạn này, người dùng thẻ vẫn chưa thể chi trả hết số nợ của mình, họ sẽ được đưa vào các chương trình hỗ trợ hoàn trả.
Đại diện tổ chức Citizens Advice cho rằng, chưa tính đến tác động từ chính sách của cơ quan chức năng, trách nhiệm từ ngân hàng và tổ chức phát hành thẻ vẫn là yếu tố quyết định. Thay vì gia tăng hạn mức tín dụng, các nhà cung cấp thẻ và đơn vị cho vay cần có biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng để có thể thoát dần các khoản nợ này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!