Ngày 3/5, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các chính sách tiền tệ mở rộng của mỗi nước, đồng thời nhấn mạnh chính sách này cần phải được quyết định thận trọng và chia sẻ với những nước còn lại một cách minh bạch.
Ba nước đạt được nhất trí trên sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Kyung-hwan với hai người đồng cấp Trung Quốc Lâu Kế Vĩ và Nhật Bản Taro Aso tại thủ đô Baku của Azerbaijan. Tại cuộc họp, ba Bộ trưởng cũng nhất trí cho rằng cả ba nước cần theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô để đối phó với rủi ro phát sinh từ tình trạng biến động nhanh của luồng vốn hiện nay.
Ba vị Bộ trưởng cũng thỏa thuận thúc đẩy Quốc hội ba nước nhanh chóng phê chuẩn thỏa thuận thiết lập Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), được ký kết tháng 10 năm ngoái. Đây là công cụ thiết yếu cho hoạt động của mạng lưới an toàn tài chính khu vực được thiết lập theo Sáng kiến Chiềng Mai về đa phương hóa năm 2010, theo đó các nước châu Á tham gia sáng kiến này sẽ cùng nhau góp vốn để lập quỹ trị giá 120 tỷ USD và có quyền huy động tiền từ quỹ này khi xảy ra khủng hoảng tài chính để ngăn ngừa tình trạng rối loạn tài chính ở châu Á.
Liên quan đến việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu, ba nước dự định sẽ tổ chức thêm vòng đàm phán nữa tại Singapore vào cuối tháng này trước khi ký kết “các điều khoản của thỏa thuận cuối cùng" về AIIB. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Kyung-hwan cho biết, Seoul sẽ nỗ lực để có thêm các quan chức nước này nắm giữ những vị trí cao tại AIIB nhưng Hàn Quốc sẽ không thể đóng thêm ngân sách bổ sung cho AIIB do dự chi ngân sách năm nay đã tăng so với năm ngoái.
Đây là cuộc gặp đầu tiên của bộ trưởng tài chính ba nước khu vực Đông Bắc Á kể từ cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) diễn ra tại Australia tháng 9 năm ngoái.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.