Hàng không và du lịch nỗ lực tìm giải pháp "hạ nhiệt" giá vé

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 15/06/2024 08:29 GMT+7

VTV.vn - Giá vé máy bay trong nước của các hãng hàng không trong thời gian tới dự báo có thể tăng hơn so với thời điểm trước đó theo xu hướng chung của giá vé thế giới.

Hàng không tăng chuyến bay đêm giảm giá vé

Giá vé máy bay trong nước của các hãng hàng không trong thời gian tới dự báo có thể tăng hơn so với thời điểm trước đó theo xu hướng chung của giá vé thế giới. Nguyên nhân được chỉ ra gồm bốn nguyên nhân: thiếu hụt tàu bay, phí nhiên liệu tăng, thiếu nguồn nhân lực và áp lực tỷ giá. Đây là hàng loạt lý do đang làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản phẩm, vật tư, thiết bị của ngành hàng không. Đồng thời có thể làm thay đổi kéo dài lịch trình, đường bay của các chuyến bay. Đây là nhận định trong cuộc họp của ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì. Hàng không và du lịch đang phải nỗ lực để duy trì và đưa ra các giải pháp nhằm "hạ nhiệt" giá vé.

Để giảm nhiệt giá vé, Vietnam Airlines tăng thêm 1 triệu ghế trên các đường bay, hợp tác với các địa phương để triển khai thêm các chuyến bay khởi hành sau 21h và trước 6h hàng ngày trên nhiều đường bay nội địa. Với mức giảm cao nhất là 30% giá vé so với mức giá các chuyến bay vào giờ thông thường.

Ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển Vietnam Airlines cho biết: "Tăng thêm các chuyến bay với số lượng ghế mở bán tăng thêm trong giai đoạn tới đây là 1 triệu ghế. Tổ chức lại kế hoạch khai thác để mỗi tàu bay có thể khai thác được tối đa giờ bay của mình".

Vietjet Air cũng đã có kế hoạch tăng 46% số chuyến bay đêm so với thường lệ, tương đương với 3.100 chuyến bay trên toàn mạng bay của hãng này. Bamboo Airways áp dụng chính sách giảm 8% vào khung giờ bay từ 22h hôm trước đến 2h ngày hôm sau trong ba ngày cuối tuần.

Dù các hãng hàng không áp dụng hàng loạt các phương án để hạ nhiệt giá vé, thế nhưng các doanh nghiệp lữ hành cũng cho biết, nếu như trước đây giá vé máy bay chiếm khoảng 50% tổng chi phí tour nội địa thì giờ đây con số này đã lên tới 60%.

Ông Lê Hồng Thái - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist chia sẻ: "Chúng tôi vừa cập nhật giá và điều chỉnh lại để tiệm cận với nhu cầu của khách hàng hơn trong thời gian này".

Hàng không và du lịch nỗ lực tìm giải pháp hạ nhiệt giá vé - Ảnh 1.

Hàng không và du lịch đang phải nỗ lực để duy trì và đưa ra các giải pháp nhằm "hạ nhiệt" giá vé

Thách thức hợp tác hàng không – du lịch

Hàng không và du lịch được ví như "đôi cánh" của máy bay - cách so sánh này đã được nhắc tới từ lâu trong hai ngành này. 5 tháng đầu năm nay, du lịch Việt Nam đón gần 7,6 triệu lượt khách quốc tế và 52,5 triệu lượt khách nội địa. Ngành hàng không cũng ghi nhận sự tăng trưởng về sản lượng hành khách, đặc biệt là vận chuyển hàng không quốc tế lên đến gần 80% so với các loại hình vận tải khác. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, sự hợp tác hai ngành hàng không - du lịch vẫn ở quy mô nhỏ so với khoảng trống. Những yếu tố bất lợi trong bức tranh khó khăn chung tiếp tục là gánh nặng cho "đôi cánh" của hai ngành này.

Về lâu dài, ngành du lịch và hàng không cần xác định mối quan hệ hợp tác cộng sinh chặt chẽ hơn, cùng chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích, phối hợp linh hoạt trong xây dựng sản phẩm gồm sản phẩm mới, sản phẩm cao cấp, khuyến mãi, kích cầu… Du lịch là chuỗi ngành liên kết của nhiều đơn vị từ công ty lữ hành, các hãng hàng không, cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan… Để hình thành các sản phẩm du lịch kích cầu, cần có sự tham gia, đồng thuận và triển khai đồng loạt từ tất cả các bên, không chỉ có hãng hàng không. Các phương tiện vận tải hay các cơ sở lưu trú, nhà hàng… cũng cần cân đối mức giá hợp lý mới, hoặc điều chỉnh giờ đón khách để tạo thuận lợi cho khách hàng sử dụng các chuyến bay đêm, qua đó thúc đẩy du lịch phát triển. Nếu không có sự bắt tay của hai bên, thị trường sẽ tự dịch chuyển và làm thay đổi thói quen, hành vi của hành khách, các tuyến du lịch đường bay sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp du lịch - hàng không hiện nay đều chưa có sự phối hợp bài bản, chiến lược dài hạn và có mục tiêu lớn để có thể cùng nhau phát triển.

Kiến nghị chính sách cơ chế giảm chi phí hàng không

Khi "đôi cánh" hàng không - du lịch vẫn gặp rất nhiều thách thức để có thể bay cao, một trong những kiến nghị được nhắc đến nhiều nhất thời gian vừa qua để hạ nhiệt giá vé máy bay là gỡ bỏ quy định về giá trần, để thị trường quyết định giá vé máy bay nội địa theo quy luật cung cầu và có sự quản lý, điều tiết theo Luật Cạnh tranh.

Hiện Việt Nam đang khai thác 160 máy bay, sụt giảm hơn 30% so với trước đây khi có thể khai thác lên tới 230 chiếc. Máy bay có thể thuê được, nhưng chi phí để thuê máy bay lại là thách thức lớn với các hãng hàng không.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam - Tổng Giám đốc Bamboo Airways nêu ý kiến: "60 chiếc cũng có, 100 chiếc cũng có nếu chúng ta chấp nhận mặt bằng giá cả hiện nay tăng lên rất nhanh. Nhưng tại sao các hãng không cố gắng đưa máy bay về bởi vì không có động lực kinh doanh".

Trong khi đó, từ đầu tháng 3 vừa qua, giá vé máy bay đang được áp dụng theo thông tư 34 của Bộ Giao thông Vận tải, giá vé đã tăng trung bình từ 3,75% - 6,67% tuỳ từng chặng. Và nếu trước đây khoảng 30% tổng lượng vé bán ra của các hãng hàng không là giá khuyến mại thì giờ dải vé này chỉ còn 5%.

Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV nhận định: "Bỏ giá trần cũng không ảnh hưởng nhiều nhưng chúng ta cần phải có giá sàn để là một công cụ chống bán phá giá".

Hàng không và du lịch nỗ lực tìm giải pháp hạ nhiệt giá vé - Ảnh 2.

Hàng không luôn được đánh giá là một trong những loại hình kinh tế đặc thù

Không chỉ bị thiếu hụt về máy bay hay ảnh hưởng từ giá trần, khi một số doanh nghiệp tái cấu trúc đã khiến một số đường bay trong nước bị cắt giảm tần suất. Đồng thời giá nhiên liệu, chi phí đầu vào cũng là nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao.

Ông Đặng Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines đưa ra ý kiến: "Một trong những giải pháp của Vietnam Airlines là tăng cường khả năng khai thác của mình bằng việc bổ sung các tàu bay thân rộng mới và cả tàu bay thân hẹp như A320 sẽ đưa vào sử dụng. Với nguồn lực được tăng thêm, tôi chắc chắn giá vé máy bay sẽ được duy trì ở mức hợp lý cho người dân bởi vì trách nhiệm của chúng tôi cũng như các hãng hàng không khác, đặc biệt là hàng không Nhà nước, hàng không quốc gia".

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Tập đoàn Du lịch-Hàng không Viettravel cho biết: "Các hãng hàng không hiện nay đang bị thuế tiêu thụ đặc biệt rất cao. Các hãng hàng không đều đang khó khăn. Trong bối cảnh giá vé máy bay cao như hiện nay, chúng tôi mạnh dạn đề xuất, đặc biệt trong dịp hè, đối với xăng dầu của ngành hàng không, Chính phủ nên tạm thời miễn giá xăng dầu trong 6 tháng để cho giảm ngay lập tức chi phí của hãng hàng không xuống, giúp hãng hàng không có thể điều tiết giá vé xuống ở mức độ phù hợp với nhu cầu của thị trường đòi hỏi hiện nay".

Hàng không vẫn luôn được đánh giá là một trong những loại hình kinh tế đặc thù vì vậy cũng cần phải có các cơ chế đặc thù đi kèm.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước cuối tháng 5 vừa qua, một số đại biểu Quốc hội cũng đã đề xuất các giải pháp như xây dựng chính sách hỗ trợ các hãng hàng không, miễn, giảm thuế, phí có liên quan và giảm giá trong dịch vụ hàng không. Đặc biệt là cần tăng số lượng máy bay, mở thêm các đường baytrước khi có một chính sách tổng thể để có thể bao quát mọi mặt về chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

Cần một chính sách tổng thể để ngành hàng không có thể giảm bớt chi phí từ đó hạ được giá vé máy bay. Bên cạnh đó cũng cần sự hợp tác tổng thể giữa hai ngành du lịch và hàng không để có thể khai thác lợi thế của cả hai, giảm bớt những khó khăn chung thời điểm này. Giờ không phải là lúc ai được hưởng lợi nhiều hơn mà là lúc chia sẻ được nhiều hơn để cùng nhau đi đường dài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước